Triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó có 36 loại phế liệu được cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ.
Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời kiến nghị, để xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, cụ thể: thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải rắn mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu).
Loại bỏ những phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước. Điển hình: bỏ loại phế liệu “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (mã HS 47079000) vì lý do đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu giấy khác nhau, thường được sử dụng để tái chế các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi được kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục phế liệu nhập khẩu theo Quyết định 73 |
Loại bỏ phế liệu thạch cao (mã HS 25201000) vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu nhưng chưa triển khai hoạt động nhập từ khi được cấp giấy chứng nhận đến nay.
Tơ tằm cũng nằm trong danh sách kiến nghị loại bỏ vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị nhập với khối lượng rất nhỏ, bên cạnh đó đây cũng là loại phế liệu phát sinh trong nước, vì vậy phải khuyến khích doanh nghiệp thu mua triệt để trong nước…
Đa số ý kiến của đại biểu đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội đều đồng tình và nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Quyết định 73 của Bộ TN&MT, đặc biệt là yêu cầu đưa ra quy trình giám sát chặt chẽ các loại phế liệu nhập khẩu, tránh tình trạng tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu như hiện nay khiến dư luận rất bức xúc.
Công Trí