Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi này được đề xuất giảm từ 6-8 triệu đồng xuống còn 0,8-1 triệu đồng. Đề xuất này đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Tại dự thảo nghị định mới, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Theo đó, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 0,8-1 triệu đồng (mức đang áp dụng là từ 6-8 triệu đồng).
Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu từ 6-8 triệu xuống 0,8- 1 triệu đồng. |
Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức phạt được đề xuất là từ 400.000-600.000 đồng (đang áp dụng là từ 2-3 triệu đồng).
Còn đối với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 0,8-1 triệu đồng, trong khi đó mức phạt đang áp dụng là từ 3-5 triệu đồng. Bởi, tính chung tỉ lệ về tai nạn giao thông trong thời gian qua thì người điều khiển có nồng độ cồn trong máu và hơi thở gây tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Theo Bộ Công an, lý do cho việc đề xuất này là để tăng cường tính khả thi của luật pháp, giảm gánh nặng tài chính cho người vi phạm, đồng thời tạo cơ hội cho họ sửa sai. Tuy nhiên, liệu việc giảm mức phạt có thật sự giúp cải thiện tình hình an toàn giao thông?
Đề xuất giảm mức phạt tiền cho người vi phạm nồng độ cồn đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc giảm mức phạt tiền có thể làm mất đi tính răn đe của luật pháp, khiến người điều khiển xe dễ dàng vi phạm hơn.
Anh Nguyễn Văn Hiến (30 tuổi – Bắc Giang), chia sẻ: "Tôi nghĩ mức phạt hiện tại đã khá nghiêm khắc và đủ để khiến mọi người cẩn trọng hơn. Việc giảm mức phạt có thể dẫn đến việc nhiều người chủ quan, gây nguy hiểm cho cả người đi đường."
Ngược lại, cũng có ý kiến ủng hộ đề xuất này, cho rằng mức phạt hiện tại quá cao và không phù hợp với thu nhập của nhiều người dân. Anh Mai Quang Huy, một công nhân tại Hà Nội, cho biết: "Mức phạt 6-8 triệu đồng là quá lớn đối với thu nhập của chúng tôi. Nếu giảm xuống 0,8-1 triệu đồng, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn và vẫn giữ được tính răn đe."
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng thừa nhận, mức phạt hiện tại có thể là gánh nặng tài chính đối với nhiều người dân. Vì thế, cần phải tìm ra một mức phạt hợp lý, vừa đủ để răn đe nhưng cũng không gây quá nhiều khó khăn cho người vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về tác hại của việc lái xe khi đã sử dụng rượu bia.
Lê Hồng