Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến 30/9/2018, số lượng tham gia BHXH tự nguyện là 189.502 người, đạt 57,2% so với kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng...
Thấp so với tiềm năng
Đến nay, có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển đổi theo quy định; người tham gia chưa hiểu đầy đủ về chính sách, có thu nhập thấp, không ổn định; chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già; chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu.
Như vậy, từ nay đến hết năm 2018, để có thêm 141.730 NLĐ tự nguyện tham gia BHXH được xem là nhiệm vụ khá khó khăn đối với địa phương.
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ ngành BHXH là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng.
Liên quan tới đề án cải cách chính sách BHXH, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định mục tiêu của Đảng là tất cả người dân, tức là lao động từ 15 tuổi trở lên, phải được tham gia vào hệ thống chính sách BHXH. Đây là chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng bảo đảm đời sống người dân.
“Chúng ta xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, tuy nhiên hiện nay mới đạt gần 30% tổng lực lượng lao động, khoảng hơn 14 triệu người tham gia BHXH. Quan trọng là còn 40 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân thuộc khu vực phi chính thức chưa được tham gia vào hệ thống BHXH”, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
40 triệu lao động phi chính thức chưa được tham gia vào hệ thống BHXH |
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có 3 vấn đề phải lưu ý. Cụ thể, từ ngày 1/1/2018 Chính phủ đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác là 30, 25 và 10% để tham gia BHXH. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng mức này không đủ cơ hội để người nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác tham gia BHXH. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ lên.
Hiện nay, cứ mỗi năm đóng vào hệ thống BHXH 1 triệu thì 600.000 đồng được rút ra. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị: “Chính phủ tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội khóa XIII về BHXH để chúng ta cố gắng định hướng cho người dân tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi khi về già”.
Cuối cùng, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ phải phát hành trái phiếu chính phủ để nhận nợ BHXH của NLĐ tham gia BHXH trước năm 1995 theo đúng Nghị quyết 64 Quốc hội khóa XI.
Tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, yêu cầu việc phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích BHXH tự nguyện là nhiệm vụ rất lớn của ngành BHXH.
Trước những bất cập trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu, cũng cho biết trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng; ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý.
Thy Lê