Việc đấu giá biển số xe đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng dự thảo quy định từ năm 2004. Sau đó được một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An áp dụng thử nghiệm nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.
Năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các Bộ nghiên cứu triển khai. Hai Bộ Công an và Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng sau đó không được thông qua vì vướng Luật Đấu giá tài sản.
Thu lợi cho ngân sách 12.000 tỷ đồng?
Sáng 25/5, trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã nêu vấn đề đấu giá biển số xe đẹp.
Theo ông Cảnh, kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe. Nếu triển khai đấu giá biển xe thì hàng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng.
"Tôi đã trình bày trước Quốc hội nếu chúng ta triển khai bán đấu giá biển số xe thì hàng năm sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12% biển số xe đẹp, 60% biển số xe theo yêu cầu trong kho số", ông Cảnh nói.
Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết, đến khi dự thảo Nghị định đấu giá được đưa ra thì số biển số xe được đấu giá chỉ còn khoảng 1% trong kho số, bao gồm biển có 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, biển số tiến, cũng như số người dân có yêu cầu.
"12% số biển xe đẹp khi đề xuất trong ban hành Luật đến dự thảo Nghị định còn chưa đến 1%, giảm hàng chục lần về số lượng", ông Cảnh nói.
Bên cạnh đó, người dân cũng không được sử dụng biển số thông qua đấu giá cho chiếc xe tiếp theo. Ông Cảnh nhận xét điều này khiến cho một biển số xe lẽ ra có giá vài chục triệu đồng chỉ còn vài triệu đồng.
Theo đó, ông Cảnh cho rằng từ chính sách được đề xuất có thể thu hàng nghìn tỷ đồng khi cụ thể hóa bằng văn bản dưới Luật chỉ có thể thu được vài chục tỷ đồng, gây lãng phí trong khi triển khai Luật.
Do đó, ông Cảnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn đấu giá biển số xe với kho số mở rộng, đồng thời cho phép người dân dùng biển số xe đấu giá cho chiếc xe tiếp theo.
Tuy nhiên, phản biện ý kiến của ông Cảnh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho biết, trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá biển số đẹp nhưng nhiều nước không đấu giá. "Bản chất của biển số đẹp giống như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân là để thực hiện việc quản lý nhà nước, nếu đấu giá sẽ phá vỡ hệ thống quản lý", ông Hồng nói.
Ngoài ra ông Hồng cho hay, nhiều cử tri đặt vấn đề "nếu Nhà nước tổ chức đấu giá biển số đẹp, công dân có quyền từ chối biển số xấu hay không?".
Hơn nữa, con số 12.000 tỷ đồng mà ông Cảnh đưa ra là chưa có cơ sở vì giá cả thay đổi theo từng thời kỳ và tâm lý của người dùng. Cách tính như của ông Cảnh mới chỉ là con số giả định.
Việc đấu giá biển số xe đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng dự thảo quy định từ năm 2004 |
Nhưng…
Đây không phải là lần đầu tiên việc đấu giá biển số xe được đưa vào nghị trường Quốc hội. Trước đó, không dưới 2 lần, ông Cảnh đã đề xuất việc đấu giá kho số.
Thậm chí, kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017, ông Cảnh đưa ra con số thu về cho ngân sách còn “giật mình” hơn: “Nếu được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 khi Luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100.000 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc mở kho số của các Bộ, ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân trong từng thời kỳ”.
Tuy nhiên, để thông qua việc được phép bán đấu giá kho số không đơn giản là cứ định là được, bởi còn vướng khá nhiều quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Đầu tiên, đó là việc người trúng đấu giá biển số xe bị hạn chế quyền đối với biển số xe đó.
Theo đó, người trúng đấu giá (tài sản) là biển số xe ôtô chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (thường chỉ 5-10 năm), không được chuyển cho chiếc xe mua mới tiếp theo, không được mang bán, tham gia vào thị trường hàng hóa…
Như vậy sẽ gây thiệt thòi cho người tham gia đấu giá, khi người mua biển số thông qua đấu giá sẽ không được đảm bảo quyền lợi cơ bản của một “chủ sở hữu tài sản” - biển số xe ôtô theo quy định pháp luật.
Tiếp nữa, như đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề xuất, khi đã chuyển nhượng xe, nếu người chủ mới chiếc xe không thích biển cũ thì sẽ xử lý thế nào?
Đặc biệt, biển số đẹp hoàn toàn theo cách hiểu dân gian. Đôi khi biển đẹp chỉ là do tự một số người nghĩ ra, do vậy gây khó khăn trong cách quản lý. Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có một chỗ nào định nghĩa thế nào là số đẹp, do vậy không thể lấy đó làm căn cứ để giải quyết.
Việc bán đấu giá biển số đẹp sẽ tăng thu ngân sách không ít thì nhiều, nhưng việc quản lý biển số cũng như xác định những quy định liên quan đến việc đấu giá biển số vẫn cần nhiều thời gian hơn để tìm cách giải quyết.
Hồng Nhung