Điều 91, Bộ luật Lao động đã quy định, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, lâu nay đời sống của NLĐ còn rất khó khăn, theo tính toán của Hội đồng tiền lương Quốc gia, phải đến năm 2020 việc tăng lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu. Thế nhưng, khả năng này đang bị “đe dọa” trước đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính.
Chỉ đáp ứng được 96%
Trên thực tế, dù mức lương tối thiểu năm 2018 đã được chốt ở mức 6,5%, song nhiều ý kiến cho rằng mức lương vẫn “hẻo”, chỉ đáp ứng được 92 - 96% mức sống tối thiểu của NLĐ.
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, quá trình đi khảo sát đời sống công nhân ở khu vực Tây Nguyên, những công nhân có lương và thu nhập chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (có nghĩa là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu) chiếm tới 60%. “Phần lớn công nhân ở đây là đồng bào dân tộc, họ làm theo ca, mỗi ca 10 - 12 tiếng, nhưng thu nhập cực kỳ thấp, chưa đến 4 triệu/tháng”, ông Thọ nói.
NLĐ chưa kịp mừng vì sang năm tới mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 6,5%, thì mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12 - 14%.
Tréo ngoe ở chỗ, còn hơn 2 năm nữa dự kiến mức lương tối thiểu mới bảo đảm được mức sống tối thiểu của NLĐ. Vậy mà, khả năng này đang bị đe dọa trước đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính. Lúc đó, người làm công ăn lương phải chi phí nhiều hơn do bị tăng thuế VAT.
VAT tăng sẽ đe dọa cuộc sống của NLĐ
Có thể nói VAT là sắc thuế có độ phủ rộng, hầu hết mọi công dân đều bị tác động bởi sắc thuế này, từ đứa trẻ sơ sinh (phải mua bỉm, sữa… đến cụ già do phát sinh nhu cầu tiêu dùng). Dĩ nhiên, những người trong độ tuổi lao động sẽ phải gánh trách nhiệm đóng thuế thay cho hai đối tượng trên.
Theo tính toán của một thành viên trong tổ chuyên gia Hội đồng tiền lương, thuế VAT tăng 12% không chỉ đơn thuần tăng thêm 2% so với lương tăng 6,5%, mà là đồng loạt các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng thêm 2%. Trong khi đó mỗi gia đình trung bình hàng tháng phải chi tiêu khoản tiền lớn vào các hàng chục mặt hàng thiết yếu, như: gạo sữa, thức ăn, xà phòng… Điều này sẽ dẫn đến thâm hụt lớn vào đồng lương “còm” của NLĐ.
Chỉ nên áp dụng cho từng mặt hàng
Rất nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại, khi khả năng 2 năm nữa, mức lương tối thiểu khó đáp ứng được mức sống tối thiểu của người dân, nếu đề xuất tăng thuế VAT lên 12% vào đầu năm 2019 được Quốc hội thông qua.
Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, Ts. Nguyễn Minh Phong cho rằng ở Việt Nam, việc tăng thuế nên cân nhắc áp dụng cho những mặt hàng không ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân lao động thu nhập thấp.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 mặt hàng chịu thuế VAT. Do đó, Bộ Tài chính không nên tăng đồng loạt, mà cần bóc tách từng loại, cái nào không khuyến khích thì có thể dùng thuế để điều tiết như rượu, bia, thuốc lá, đồ ngọt…
Những mặt hàng thiết yếu khác phục vụ đời sống, ảnh hưởng đến phúc lợi người dân thì không nên tăng thuế. Thậm chí, trong khi kinh tế còn khó khăn, cần phải khuyến khích nền sản xuất trong nước, cơ quan thuế cần xem xét một số mặt hàng có thể giảm thuế để hỗ trợ tiêu dùng cho người dân”, ông Phong đề xuất.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Thị Mai khẳng định tăng VAT, người nghèo không bị tác động nhiều.
Tuy nhiên, ông Phong phân tích, không có loại hàng hóa, dịch vụ nào mà không có sự liên quan tới các loại hàng hóa hay dịch vụ khác. Đơn cử cân thịt, con cá hay mớ rau, muốn đến được tay người dùng thì cũng phải cần nhiều yếu tố đầu vào (xăng dầu của dịch vụ vận chuyển, tiền công lao động, dịch vụ đóng gói…) và nhiều tầng nấc trung gian.
Dựa trên giải trình mới của Bộ Tài chính, có thể hiểu là không đánh thuế vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng Bộ Tài chính cần công khai rõ các mặt hàng thiết yếu đó là những loại nào, khi đó người nghèo sẽ không bị thu thuế cao.
Thanh Hoa