Bệnh viện GTVT là bệnh viện công lập đầu tiên của cả nước tiến hành CPH. Vấn đề này được các nhà đầu tư rất quan tâm, thể hiện ở việc 100% vốn cổ phần được trào bán tại phiên đấu giá được mua với giá cao, bình quân 23.597 đồng/cổ phần. Sau cổ phần, bệnh viện GTVT sẽ có tổng vốn điều lệ 168 tỷ đồng (dự kiến tăng lên 435,5 tỷ đồng), với tên mới, là công ty CP Bệnh viện GTVT.
Chất lượng sẽ tăng?
Các chuyên gia y tế đều cho rằng CPH là một giải pháp tốt, mở ra tính "tự chủ" của bệnh viện công. Hiệu quả của hoạt động sẽ dựa trên chất lượng dịch vụ (trình độ của y bác sĩ, thái độ phục vụ, cơ sở vật chất…). Điều này buộc các bệnh viện phải thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ để "hút" bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): "Thay đổi lớn nhất trong việc CPH là chuyển từ việc người bệnh buộc phải đến bệnh viện sang được lựa chọn và bệnh viện phải đợi người bệnh đến. Vì vậy, chắc chắn chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được nâng cao".
Nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt là các dịch vụ chất lượng cao của bệnh nhân ngày càng tăng. Các bệnh viện, cơ sở y tế của nước ta lại đang "quá tải", cơ vật chất thiếu thốn, nhưng không thể cải thiện vì thiếu nguồn tài chính. Vì vậy, CPH sẽ là "lối thoát" để tháo gỡ những khó khăn về đầu tư, phát triển mà lâu nay các bệnh viện công vẫn loay hoay.
![]() |
CPH bệnh viện được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng khám chữa bệnh
"Không chỉ cơ sở vật chất được nâng cao, thái độ phục vụ của y bác sĩ cũng sẽ được cải thiện vì cơ sở vật chất nâng cao, chế độ đãi ngộ cao, điều kiện làm việc thoải mái sẽ giúp bác sĩ tận tình hơn", ông Quang nói thêm.
Ngoài ra, CPH nghĩa là các bệnh viện sẽ chấp nhận "cuộc chơi" thị trường. Với hoàn cảnh hiện tại, hoạt động "kinh doanh" khám chữa bệnh có rất nhiều tiềm năng vì nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng. Khi bệnh viện lãi lớn, cổ đông là Nhà nước sẽ lãi.
Đồng nghĩa ngân sách sẽ có thêm một nguồn kinh phí không nhỏ để điều tiết cho các nơi khác, mục đích xã hội khác, trong khi không phải lo lắng đến việc bỏ vốn để nâng cấp các bệnh viện (nhằm thu hút bệnh nhân khá giả).
Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được nâng cao, nhưng nhiều người lại lo ngại việc "doanh nghiệp hóa" bệnh viện sẽ khiến quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng.
Người nghèo được lợi?
Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: "Tư nhân hóa bệnh viện dù một phần thì bệnh viện sẽ hoạt động như một DN, khi đó, lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện. Lúc đó, người nghèo sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt, khi chúng ta chưa có BHYT toàn dân. Vì vậy, chúng ta cần có lộ trình và không thể nóng vội trong việc CPH bệnh viện".
Tuy nhiên, theo nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế, việc CPH bệnh viện nếu được thực hiện có kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng, quyền lợi của người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi nhiều hơn. Việc có nhiều vốn đầu tư hơn, người bệnh không chỉ được hưởng lợi từ việc trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh cao hơn, mà các chính sách xã hội dành cho bệnh nhân nghèo sẽ vẫn được bảo đảm.
"Nếu Nhà nước quản lý tốt, các chính sách cho bệnh nhân nghèo không những không thay đổi mà còn khá hơn, ổn định hơn. Vì lúc này, nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo không chỉ đến từ việc trích lợi nhuận hằng năm ở cổ phần Nhà nước, mà khi đại hội cổ đông bệnh viện sẽ đề nghị các cổ đông thống nhất, trích một phần từ lợi nhuận của mình hằng năm để giúp bệnh nhân nghèo (cần đưa chủ trương này vào trong điều lệ)", bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương phân tích.
CPH, xã hội hóa bệnh viện đang đem lại nhiều hy vọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm lợi ích cho người dân. Nhưng khi mọi thứ mới chỉ bắt đầu, sẽ cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả của mô hình bệnh viện này có đem lại lợi ích thực sự hay không?!
Hiến Nguyễn