Hiện có nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa đã bị loại khỏi quy hoạch, do chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Trong 3 năm qua, Bộ Công Thương đã loại bỏ 471 dự án thủy điện (gồm 8 dự án thủy điện lớn và 463 dự án thủy điện nhỏ), không xem xét xây dựng 213 vị trí tiềm năng khác.
Nhiều dự án bị loại khỏi quy hoạch
Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 123 công trình thủy điện, với tổng công suất trên 1.000 MW. Sau đó, được sự đồng ý của Bộ Công Thương đưa ra ngoài quy hoạch 54 công trình thủy điện, với tổng công suất 130,5MW.
Tuy nhiên, đến nay để phát triển tiềm năng và lợi thế, 10 trong số các dự án đã được đưa ra khỏi quy hoạch trước đây đã được UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai, với tổng công suất lắp máy khoảng 128MW.
Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông cho biết, tổng số vị trí thủy điện được quy hoạch (giai đoạn 2006 - 2010 có xem xét đến năm 2015) được phê duyệt giai đoạn 1 có 32 vị trí, giai đoạn 2 có 38 vị trí. Qua nhiều lần rà soát, Bộ Công Thương và UBND tỉnh đã loại 12 dự án giai đoạn 1 và 38 vị trí thuộc giai đoạn tiềm năng ra khỏi quy hoạch. Hiện nay, chỉ còn 20 dự án, với tổng công suất 153,6MW.
Theo Quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 18 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 103,9MW. Song, thực hiện công tác rà soát quy hoạch, tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương loại ra khỏi quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Trị 10 dự án, còn lại những dự án thuộc quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Nguyên nhân loại ra khỏi quy hoạch là do các dự án này ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, chiếm nhiều diện tích đất sản xuất, quy mô nhỏ, suất đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp và chưa có chủ đầu tư. Như vậy, tỉnh Quảng Trị chỉ còn 8 dự án thủy điện nhỏ thuộc danh mục quy hoạch, với tổng công suất 80,9MW.
Trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát 4 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn để trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch.
3 năm qua, Bộ Công Thương đã loại 463 dự án thủy điện nhỏ
Còn nhiều vướng mắc
Trước thực tế này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đề xuất cần xem xét, cho đầu tư lại các dự án thủy điện đã được Quốc hội loại bỏ năm 2016.
Theo ông Ngãi, do phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt từ những năm 2010 - 2014 nảy sinh một số bất cập, tồn tại; có một số dự án làm ảnh hưởng môi trường rừng và xả lũ không đúng quy định, báo chí lên tiếng và Quốc hội đã đồng ý loại khỏi quy hoạch trên 400 dự án.
Tuy nhiên, đánh giá khách quan, ông Ngãi cho rằng trên 300 dự án đã được xây dựng với tổng công suất khoảng 4.000 MW, đã đóng góp mỗi năm hơn 10 tỷ kWh điện vào hệ thống, đây là mặt tích cực.
Đến nay, nhiều dự án đã hoạt động ổn định, trồng lại rừng và không ảnh hưởng đến tái định cư, đời sống nhân dân vùng thượng lưu và hạ du, quy trình xả lũ đã theo đúng với quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành.
“Những năm gần đây, việc quản lý hồ đập của các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm đúng quy trình, không gây ra tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Chính vì vậy, cần phải xem xét lại, trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp (dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá - trên 30 MW trở lên) nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng, cung cấp điện cho các địa phương vùng sâu, vùng xa... với điều kiện bảo đảm quy trình lập đề án, hạn chế tối đa phá rừng”, ông Ngãi đề nghị.
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng, nếu cho khai thác thêm 300 - 400 dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa, thì tổng công suất điện của thủy điện mới này sẽ đạt khoảng 3.000 - 4.000 MW để bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Hàng năm, các dự án thủy điện này sẽ cung cấp khoảng 15 tỷ kWh điện, giải quyết phần điện năng thiếu hụt.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, nếu muốn “hồi sinh” các dự án thủy điện nhỏ trên, cần phải giải quyết được các vướng mắc tồn tại hiện nay. Theo đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông cho rằng phát triển thủy điện nhỏ như thế nào để bảo đảm tính bền vững là việc mà về mặt chính sách cần phải được xem xét một cách cụ thể, để việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các thủy điện nhỏ được thống nhất, hiệu quả, bảo đảm sự hài hòa lợi ích trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp...
“Đây là những việc mà các cơ quan Trung ương cần sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định cụ thể, để việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ được phát triển thuận lợi, khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng được đánh giá là sạch và có giá thành rẻ như hiện nay”, đại diện Sở Công Thương Đăk Nông kiến nghị.
Thy Lê