Nhận định về trình độ phát triển về ngành công nghiệp chế tạo máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp PGs.Ts. Chu Văn Thiện - Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết ngành cơ khí nói chung và công nghiệp chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản nói riêng của nước ta hiện vẫn là quy mô nhỏ, trình độ phát triển thấp, máy móc thiết bị phục vụ cho chế tạo còn lạc hậu, tỷ lệ đổi mới thấp, năng lực tư vấn, thiết kế yếu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu, nguồn lực có hạn nhưng đầu tư còn dàn trải.
Khả năng đáp ứng nhu cầu rất thấp
Theo thị phần thị trường máy móc nông nghiệp, các sản phẩm NK từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… chiếm con số áp đảo, lên tới gần 70%, trong khi đó các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm ít ỏi, từ 15 - 20%, có một số loại máy tỷ lệ này lên tới trên 90%.
Những tồn tại của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp cũng được ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, mổ xẻ. Theo ông Hòa, các chính sách ưu tiên phát triển hết sức ưu đãi. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, khả năng đáp ứng của ngành mới chỉ đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40 - 50% vào năm 2010). Nhập siêu ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm trong đó giá trị NK máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD, năm 2012 là 16,04 tỷ USD).
Ngành cơ khí chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp và thiết bị toàn bộ phục vụ chế biến nông lâm thủy sản (ngoài chế biến gạo và cà phê nhân) gần như “giậm chân tại chỗ”. Đầu tư nước ngoài lĩnh vực cơ khí chế tạo, lắp ráp máy động lực và máy nông nghiệp rất ít.
Mức độ đổi mới công nghệ trong ngành rất thấp. Theo kết quả điều tra của Bộ KH&CN về đổi mới công nghệ trong DN, có 10% DN sử dụng công nghệ của những năm 70 của thế kỷ trước, 30% sử dụng công nghệ của những năm 80 và 50% của những năm 90.
Chi phí nghiên cứu chuyển giao ở khối các viện nghiên cứu, DN KHCN, DN tư vấn thiết kế thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo chỉ từ 0,22 - 3% doanh thu năm, không ổn định và không có tính liên tục. Ở các DN chế tạo, chỉ dao động từ 0,35 - 0,8%.
Những yếu kém của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp diễn ra trong nhiều năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, theo ông Thiện, hiện vẫn chưa có chính sách đủ sức hấp dẫn các DN đầu tư và phát triển.
![]() |
Cơ khí chế tạo máy nông nghiệp hiện vẫn chỉ là nhỏ lẻ
Các DN trong nước chưa xác định đúng tầm quan trọng của việc phục vụ nông nghiệp, đầu tư nhỏ giọt, khép kín; chưa quan tâm đúng mức đến nghiên cứu phát triển thị trường (trong nước và khu vực) để có được những liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài có thương hiệu mạnh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thu hút đầu tư các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp vẫn còn khó khăn, nguyên nhân chính là do chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết. Các nhà đầu tư còn lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm và xây dựng các dự án đáp ứng các điều kiện của chính sách hỗ trợ.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, tuy hệ thống chính sách để phát triển ngành cơ khí đã tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế chỉ có một số cơ chế, chính sách được triển khai có kết quả tốt. Danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển chỉ phù hợp chủ yếu với các dự án lớn, quan trọng, trong khi các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nông nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận được các cơ chế ưu đãi của các quyết định này.
Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ra đời thay thế hai quyết định 63 và 65 đã căn bản gỡ được các nút thắt về chính sách, đáp ứng được mong mỏi của nông dân, DN ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên đây cũng là bước “thụt lùi” trong việc phát huy nội lực để phục vụ nông nghiệp của ngành cơ khí trong nước. Việc triển khai hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, người dân và DN khó tiếp cận với vốn vay.
Để ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng cần khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong nước và khu vực, từ đó xác định lĩnh vực có lợi thế để ưu tiên đầu tư cơ khí chế tạo có trọng tâm trọng điểm, khắc phục tình trạng cơ chế khuyến khích dàn trải, đầu tư cơ khí chế tạo một cách chung chung.
Coi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo máy nông nghiệp như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, tiến hành rà soát bổ sung các chính sách tài chính tín dụng, bảo đảm khả thi trong đầu tư dài hạn (vốn vay, lãi suất, ưu tiên trong đấu thầu…).
Thu Hường