Ông Ngô Xuân Lục là một người lính về hưu, ở tuổi xưa nay hiếm, những áp lực về công việc đã không còn, ông đang có một cuộc sống nghỉ ngơi đúng nghĩa. Với khoản lương hưu gần 10 triệu đồng/tháng, ông Lục chưa bao giờ phải phiền đến con cái, người thân.
An nhàn tuổi hưu
Một điều đáng mừng, người bạn đời của ông Ngô Xuân Lục là bà Nguyễn Thị Tâm (72 tuổi) cũng đang có khoản lương hưu ổn định, sau gần 3 thập niên gắn bó với nghề giáo, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Mức 7 triệu đồng lương hưu mà bà Tâm đang được hưởng nhờ vào những lần điều chỉnh lương hưu qua các năm của Nhà nước. Năm 2022, dù tình hình kinh tế có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1.
Việc tham gia BHXH và được hưởng lương hưu là điểm tựa cho những người cao tuổi như ông Lục, bà Tâm... |
Chia sẻ về tuổi hưu của mình, ông Lục tâm sự: “Sau nhiều năm làm việc, đi công tác liên miên, tuổi già có đồng lương hưu là điểm tựa vững chắc cho những người lao động. Vì vậy, tôi luôn rất ủng hộ các chính sách BHXH, mong mọi người có điều kiện để vào chuỗi an sinh của Nhà nước”.
Hiện tại, khi các con đều đã trưởng thành, đi làm ăn xa, chỉ còn hai ông bà ở nhà, ông Lục lại mang trong mình căn bệnh tim mạch, huyết áp cao, nhưng nhờ có chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), được khám chữa bệnh miễn phí nên vợ chồng ông Lục rất yên tâm, không phải phiền hà con cái.
“Hai người già nên chi tiêu cũng không quá nhiều, vì vậy khoản lương hơn 10 triệu đồng của cả hai vợ chồng cũng đủ để chi tiêu, thuốc thang khi bệnh, ngoài ra có một chút tích lũy để phòng thân, mua quà bánh cho con cháu khi sum vầy những dịp đoàn tụ, lễ tết”, ông Lục bộc bạch.
Sống vui, sống khỏe
Cùng niềm vui như chồng, bà Tâm cho hay việc điều chỉnh lương hưu qua các năm giúp những người cao tuổi như bà có thêm một khoản để trang trải các chi phí trong thời buổi vật giá leo thang.
Bao năm công tác, làm ăn xa, bà Tâm, ông Lục quyết định về quê nhà sinh sống. Không còn lo toan về chuyện tiền bạc, quyết định trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” vừa để ông bà an hưởng tuổi già, tìm kiếm sự bình yên, vừa để có một không gian để con cháu có nơi để quây quần, đoàn tụ, sum họp.
“Qua bàn tính kỹ lưỡng, trao đổi với con cái, chúng tôi quyết định chuyển từ thị xã Bỉm Sơn về quê của ông cha ở huyện Nông Cống, Thanh Hoá. Về quê có anh em, họ hàng quây quần, ngày ngày tôi có thể chăm chút vườn rau sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa”, bà Tâm chia sẻ.
Có thể thấy, chính sách BHXH đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều cán bộ, người lao động khi về già như bà Tâm, ông Lục. Việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, cơ bản nhất và cũng là thiết thực nhất là tiền lương và chế độ khám chữa bệnh miễn phí giúp chất lượng sống của người dân sau khi hết tuổi lao động được nâng lên đáng kể.
BHXH tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng chuỗi an sinh trên địa bàn. |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách an sinh, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng thúc đẩy, mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH, để ngày càng có nhiều người cao tuổi có lương hưu như ông Lục, bà Tâm.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia BHXH cho người lao động chưa đầy đủ, từ đó làm cơ sở để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đang tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Nỗ lực tăng độ bao phủ
Sự chủ động của người dân cùng sự đồng hành của các cấp, ngành đang giúp việc triển khai chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2021 đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện, toàn tỉnh có trên 3,3 triệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN (chưa tính người tham gia là lao động tạm trú và lực lượng vũ trang đang tại ngũ đóng trên địa bàn tỉnh).
Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ, ngành BHXH tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 15 giải pháp, trong đó trọng tâm là bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh cũng nỗ lực triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 186/KH-UBND, Kế hoạch số 1813/KH-BHXH ngày 06/7/2022 của BHXH Việt Nam về triển khai thực hiện công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2022 - 2025. Hàng năm giao dự toán thu, phát triển số người tham gia BHYT cho các huyện để các đơn vị chủ động lên kế hoạch và triển khai tại địa phương, đồng thời coi đây là nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.
Các cơ quan BHXH tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động tham mưu xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; đồng thời rà soát, xây dựng các phương án tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tập trung, ưu tiên các nguồn lực và các điều kiện cần thiết; song song với đó là phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển người tham gia BHYT theo lộ trình đề ra...
Mỹ Chí