![]() |
Tuyến cáp quang APG dài 10.900 km, có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps
Việc chính thức đưa vào khai thác là một tín hiệu đáng mừng và mở ra nhiều kỳ vọng trong năm 2017. Tuyến cáp này sẽ giúp cho lưu lượng sử dụng đi quốc tế của người dùng sử dụng ổn định hơn và không bị trì truệ như thời gian qua, khi cáp quang biển AAG liên tục bị đứt. Chỉ riêng trong năm 2016, tuyến cáp quang AAG bị đứt 3 lần, trong đó lần gần nhất tuyến cáp quang biển này gặp sự cố vào chiều 2/8 do ảnh hưởng từ cơn bão Nida trên Biển Đông. Sự cố kéo dài hơn 3 tuần, đến ngày 25/8 mới khắc phục được hoàn toàn.
Tuyến cáp APG được các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư từ cuối năm 2012, có hướng kết nối ra quốc tế tương tự như tuyến AAG và IA (tuyến cáp quang biển Liên Á). Trong đó, Tập đoàn VNPT tham gia đầu tư 40 triệu đô la Mỹ, Viettel 25 triệu đô la Mỹ, FPT 10 triệu đô la Mỹ và CMC 5 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, tuyến cáp APG đi vào hoạt động thì việc kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi tuyến AAG tạm ngừng hoạt động vì APG có dung lượng lớn hơn AAG hàng chục lần.
APG là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á với băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuy vậy, băng thông ban đầu là 4 Tbps. Tuyến cáp này có chiều dài 10.900km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam .
N.L