Với những quy định mới của chế độ BHXH mới, từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong HĐLĐ. Quỹ BHXH sẽ chiếm tổng số 26%, trong đó, NLĐ đóng 8%, còn lại 18% do DN đóng. Như vậy, số tiền đóng BHXH của NLĐ theo quy định mới sẽ tăng lên.
Lợi ích ở… “thì tương lai”
Theo các cơ quan quản lý, tiền đóng BHXH tăng lên “không đáng kể”, nhưng quyền lợi của NLĐ sẽ được cải thiện nhiều. Với quy định BHXH mới, NLĐ sẽ được hưởng lương hưu thực chất so với mức lương “ảo” trước đây.
“Hiện tại, các DN, đơn vị thường lấy mức lương cơ bản để đóng BHXH cho NLĐ. Nhưng trên thực tế, mức lương thực tế cao hơn nhiều lần mức lương cơ bản, vì vậy, khi quy định đóng BHXH theo lương thực tế, mức lương hưu sau này của NLĐ sẽ cao và thực chất hơn”, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, phân tích.
Theo quy định mới, BHXH sẽ mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (NLĐ có hợp đồng 1 - 3 tháng, NLĐ nước ngoài tại Việt Nam…) và bổ sung thêm nhiều quy định, bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Từ năm 2018, để hưởng mức 45%, thời gian tham gia BHXH phải đủ 16 năm. Tăng dần đến năm 2022, nam giới phải tham gia 22 năm để hưởng mức 45%. Đối với người tham gia BHXH từ 1/1/2016 thuộc cơ quan nhà nước, lấy mức lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu thay vì bình quân 5 năm cuối như trước kia.
“Chế độ thai sản sẽ tăng, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng tăng lên (tính theo lương thực tế thay vì lương cơ bản), các hành vi gian lận, bóc lột quyền của NLĐ sẽ giảm, vì bị kiểm soát chặt hơn. Các chế độ trợ cấp khi ốm đau, tai nạn, thất nghiệp cũng được cải thiện đáng kể...”, ông Nguyễn Minh Thảo nói thêm.
Theo phân tích của cơ quan quản lý, những quy định mới rõ ràng đang đem lại nhiều quyền lợi cho NLĐ trong tương lai. Và quả thật, những quyền lợi chỉ đến trong “tương lai”, còn hiện tại, rất nhiều những áp lực đang đổ dồn lên vai NLĐ, đặc biệt là những NLĐ có thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó Giám đốc BHXH Tp.HCM, cho rằng: “NLĐ cần có con mắt “nhìn xa”, nắm rõ và hiểu biết luật để bảo vệ quyền lợi và hưởng những lợi ích lâu dài. Quy định mới sẽ khiến tiền đóng BHXH của NLĐ tăng (khoảng 10,5%) nhưng chỉ là phần nhỏ so với DN (khoảng 22%)”.
Lý thuyết là thế, nhưng theo nhiều chuyên gia phân tích, quy luật “khổ trước sướng sau” này chỉ đúng với những NLĐ có công việc ổn định, lương cao. Còn đối với những người có thu nhập thấp thì khó khăn sẽ tăng lên. Việc phải bỏ thêm tiền để đóng BHXH cũng đồng nghĩa họ mất đi một khoản thu để lo “cơm áo” hàng ngày.
![]() |
BHXH mới đang mang đến nhiều băn khoăn
Những mối lo hiện hữu
Chưa kể những áp lực từ phía DN, khi phải gồng lên những khoản phí mới, cuối cùng lại đổ lên vai NLĐ. “Quy định mới bảo đảm tương lai cho NLĐ, giúp quỹ bảo hiểm không bị âm, tránh bị vỡ. Tuy nhiên, thu nhập của NLĐ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Về phía DN, đặc biệt là các DN sử dụng số lượng lao động lớn, những gánh nặng sẽ tăng lên. Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN Tp.HCM, cho biết: “DN đang phải chịu những tác động “kép” là tăng lương tối thiểu vùng hằng năm (năm 2016 tăng 12,4%) và mức đóng BHXH (lương hợp đồng + phụ cấp). Với mức đóng BHXH lên tới 22%, nghĩa là cứ 10 đồng lương thì DN phải trả thêm 2,2 đồng BHXH.
Những đòi hỏi về quyền lợi như lương cơ bản, BHXH, giá cả ổn định… liên tục nâng lên. Năng suất lao động thấp, tinh thần làm việc của NLĐ yếu khiến những áp lực của DN tăng lên. Khó khăn buộc các DN phải sử dụng các chiêu trò, trốn tránh, nợ bảo hiểm, cắt giảm nhân sự…
Chế độ BHXH mới cho thấy nhiều ưu điểm, tuy nhiên, sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng để tránh xảy ra những “tác động ngược”. Quan trọng nhất, là cần quan tâm đến những NLĐ thu nhập thấp, giúp họ giải nỗi lo “chạy ăn từng bữa” thay vì yêu cầu họ phải “nhìn xa trông rộng”.
Hiến Nguyễn