Trong “cơn bão” thịt lợn vừa qua, đa phần các hộ chăn nuôi đều bất ngờ về giá sụt giảm nghiêm trọng như vậy. Họ cho biết, nếu như trước đây, giá lợn hơi thấp nhất cũng ở mức 40.000 đồng/kg, nên có mơ ho cũng không ngờ có lúc giá lợn lại giảm đến tận đáy, chỉ ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg và thấp hơn nữa.
Anh Nam, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục Hà Nam) - nơi được coi thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, cho biết giá bắt đầu giảm từ tháng 9/2016, từ hơn 55.000 đồng/kg lợn hơi, xuống 50.000 đồng/kg, rồi 40.000 đồng/kg. Và khi giảm xuống đến 28.000 - 30.000 đồng/kg, thì người dân nơi đây nhận định sẽ không thể giảm xuống được nữa. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi lại tiếp tục tụt dốc, xuống thấp hơn nữa.
Nếu như quyết liệt hơn
Thấu hiểu với tư duy của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bà Phạm Thị Kim Dung - Bộ môn Nghiên cứu và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), đã kể lại một câu chuyện về người thân của bà ở quê.
Bà Dung kể: “Vào thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, tôi về quê ăn Tết. Lúc đó, chú tôi cho biết sẽ tăng đàn lợn lên 4 - 5 con. Tôi đã cản, nhưng chú ấy khẳng định rằng việc tăng thêm 4 - 5 con làm sao ảnh hưởng tới nguồn cung của cả nước, giá không giảm đâu mà lo”.
“Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam đều có tư duy như vậy. Chỉ riêng người nông dân không thể dự báo được cầu thị trường. Họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, định hướng và phân tích để dự báo thị trường, điều mà chỉ có cơ quan nhà nước mới làm được”, bà Dung nhận định.
Ông Lê Văn Bình, - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Quốc hội, cho biết năm 2016, ngành chăn nuôi thành công, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc lớn, nhưng nếu cứ say sưa xuất khẩu tiểu ngạch như vậy thì không ổn và hậu quả là vừa qua đã để lại bài học đắt giá. Cách Tết 2017, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc có phóng sự buôn bán lợn qua biên giới Việt Trung, sau đó, đến Tết giá lợn giảm dần, và tới 2 tháng sau thì giảm giá xuống đáy.
“Nếu ngay lúc đó chúng ta có chỉ đạo sát sao cho các trang trại không được tăng đàn, cảnh báo cả nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, nếu cứ tiếp tục cung cấp trước thức ăn cho các hộ nuôi sẽ không thu hồi vốn, đồng thời quản lý chặt khâu sản xuất giống thì hậu quả sẽ không nặng nề như vậy. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa có cảnh báo quyết liệt”, ông Bình nói.
![]() |
Nếu như có dự báo chúng ta đã không phải thực hiện một chiến dịch “cứu” lợn hơi như vừa qua
Đa dạng hóa thị trường
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá rằng năng lực cung của nguyên liệu ngành chăn nuôi được tăng lên mạnh, với giá rẻ là một trong những cú hích để ngành chăn nuôi tăng đàn.
Trong khi đó, hiện nay, các nước đều đầu tư KH-CN, thay đổi giống, chăm sóc nên năng suất tăng, vì vậy nhiều nước đã tự chủ được nguồn cung, dẫn tới xu hướng là cung tăng nhưng cầu không tăng. “Do vậy, với ngành chăn nuôi lợn, chúng ta cần phải cẩn thận để làm sao đạt được điểm mà giá có thể cạnh tranh được”, ông Tuấn khuyến cáo.
Theo ông Tuấn, để đạt được giá cạnh tranh, cần đa dạng hóa thị trường và chế biến để hấp thụ lượng cung như hiện tại, tính tới bài toán cân đối cung cầu, không đủ khả năng cạnh tranh về giá thì khó đưa hàng chúng ta ra bán. Tiếp đó, cần xem xét hạn chế bớt nguồn cung về thức ăn chăn nuôi, để ngành chăn nuôi không tăng trưởng nhanh thời gian vừa qua.
Về cân đối cung cầu, Ts. Sergio René Araujo - Ensciso (FAO), cho rằng mỗi quốc gia sẽ có chiến lược để tìm cách cân đối cung cầu của họ với thế giới. Cụ thể với Việt Nam, trong ngắn hạn, cần tìm thị trường ngách, thị trường mới để xuất khẩu. Trong dài hạn, cần phát triển chế biến để có thể bảo quản sản phẩm, tránh được câu chuyện về độ trễ, cú sốc trong ngắn hạn.
“Trong mô hình điểm cân bằng tối ưu, đôi khi chúng tôi làm việc với cả người nông dân và các tổ chức khác nhau, kể cả khu vực tư nhân. Mức giá mong muốn sẽ ảnh hưởng tới ứng phó của họ đối với cung và cầu. Cầu phụ thuộc vào từng quốc gia, thu nhập của người dân”, Ts. Sergio René chia sẻ.
Đối với dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi sẽ có xu hướng tăng lên, phần lớn diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là gia cầm và thịt heo vì nó không cần diện tích đất lớn.
Trong trường hợp của Việt Nam, Ts. Sergio René, nhấn mạnh rằng thịt heo có vai trò quan trọng, khi ông xây dựng dự báo cho Việt Nam. Ông đã thấy rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu sản lượng chăn nuôi của Việt Nam.
“Chúng tôi dự báo vấn đề này sẽ không kéo dài, chỉ khoảng một năm. Do vậy, Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hiện nay, các ngành chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như lúa gạo và thịt heo đang phụ thuộc vào Trung Quốc, bất cứ quyết định nào họ đưa ra đều ảnh hưởng đến Việt Nam”, Ts. Sergio René nhấn mạnh.
Thy Lê