Phương - một sinh viên Đại học Quốc gia, thuê trọ ở một con ngõ thuộc đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết vì điều kiện học hành bận rộn, em thường xuyên ăn ở quán cơm bình dân gần nơi em ở. Mỗi suất cơm chỉ khoảng 18.000 - 20.000 đồng, có đủ rau, đậu, thịt, trứng. Em cho biết, hầu như ngày nào em cũng ăn cơm bụi. May ra chỉ có ngày nghỉ cuối tuần em mới nấu được một bữa.
Vừa rẻ vừa phong phú
Hoàng - thợ sửa xe và cũng là một khách hàng quen thuộc của một quán cơm bụi gần nơi ở trọ. Hoàng cho biết, cơm bụi đã rẻ lại còn tiện, món ăn phong phú. “Em ở một mình, nấu cơm và thức ăn, có tính toán khéo đến mấy cũng khó có được giá một suất cơm rẻ mà lại đầy đủ các món như cửa hàng chuyên bán cơm bụi em ăn”, Hoàng chia sẻ.
Hàng ngày, tại các quán cơm bụi khách đông kìn kịt là rất nhiều người làm nhiều ngành nghề khác nhau, từ học sinh, sinh viên, người đi bán hàng rong, công nhân, nhân viên của các công ty… Ở đâu ngon và rẻ là ở đó khách xếp hàng nườm nượp.
Khi được hỏi về vấn đề ATTP, rất nhiều khách ăn cơm bụi cho rằng dẫu biết quán cơm bụi không được sạch sẽ như cơm nhà nấu, nhưng vì bận rộn nên họ phải chọn giải pháp này. Có những khách hàng còn chủ quan, ăn bao nhiêu năm mà không bị đau bụng đi ngoài, chứng tỏ cơm bụi không có vấn đề gì đáng ngại.
Tuy nhiên, sự thật có phải vậy? Dạo qua một vòng các phố phường Hà Nội, các ngõ ngách nơi gần trường học, chợ, bệnh viện, công sở, các quán cơm bụi mỗi nơi mỗi kiểu. Nơi thì sạch sẽ bề ngoài, bàn ghế khang trang, nhưng khâu chế biến vô cùng mất vệ sinh. Nơi thì mất vệ sinh từ trong ra ngoài, từ bàn ăn đến bếp, khu vệ sinh… vô cùng bẩn.
Một quán cơm trong một khu chợ trên địa bàn quận Thanh Xuân, chậu nước rửa bát lênh láng bọt xà phòng. Bát bẩn sau khi dọn vào khu bếp được nhân viên đổ thức ăn thừa đi, cho ngay vào chậu, rửa qua rồi lại cho tiếp sang chậu khác, tráng là xong. Nhiều bát còn nguyên mùi nước rửa bát, có bát dính cả rau thừa, cơm cặn.
Hầu hết các quán cơm hiện nay đều bị buông lỏng quản lý
Điểm đến của thực phẩm bẩn
Không những tiềm ẩn về sự mất ATTP trong khâu chế biến, quán cơm bình dân còn là mối hiểm họa tiềm tàng bởi thực phẩm không rõ nguồn gốc được tuồn vào quán mỗi ngày.
Thực tế tại nhiều quán cơm bình dân, các chợ đầu mối là nơi họ săn tìm thực phẩm, những thực phẩm có thể bị ôi, bị hỏng cũng được họ nhập vào, chỉ với mục đích có nguồn hàng rẻ nhất để có suất cơm giá siêu rẻ, bán càng được nhiều càng tốt.
Về mối họa tiềm ẩn của các quán cơm bình dân, PGs.Ts. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết rất nhiều quán cơm bụi không bảo đảm và đủ điều kiện về vệ sinh, bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo. Hầu hết các quán cơm hiện nay đều bị buông lỏng quản lý.
Điều kiện chế biến thức ăn tại nhiều quán cơm bụi cũng mất vệ sinh, đa số các đầu bếp đều không đeo găng tay, không tuân thủ quy trình chế biến sạch, thớt thái đồ sống và chín đều chung một chiếc. Nhiều nơi chủ quán cố tình mua thực phẩm hỏng về nấu chín. Thức ăn không được đậy kỹ, ruồi nhặng bâu đầy, thịt ôi, rau ôi, cá ươn… để cạnh nhau trong một môi trường bếp núc chật hẹp là nguyên nhân lây nhiễm chéo từ thực phẩm nọ sang thực phẩm kia, lây nhiễm từ thực phẩm sống sang đồ chín. Lây nhiễm từ môi trường sang thực phẩm, lây nhiễm từ con người với thực phẩm… tạo nên những loại thực phẩm dù đã được nấu chín rồi nhưng vẫn bẩn.
Nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam, người ta coi việc ăn cơm bụi là chuyện thường ngày. Quán cơm bụi là giải pháp cho người nghèo kiếm việc làm, là nơi dành cho những người làm công ăn lương đỡ đói lòng. Tuy nhiên, thực tế đây là bức tranh phản ánh sự quản lý kém hiệu quả, tạo ra sự nhếch nhác, mất an toàn, là mầm họa gây bệnh trên đường phố.
Cơ quan chức năng cần để mắt, giám sát chặt hơn hoạt động của các quán cơm bụi để thực phẩm bẩn, phương thức chế biến mất vệ sinh không còn tồn tại ở những quán cơm bụi, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng và là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu cho toàn xã hội.
Thu Hường