Anh Ngọc, chủ một đại lý giặt là ở phường Ngọc Khánh cho biết, mấy ngày nay, lượng khách đến với cửa hàng đông dần lên. Ngày thường, bình quân một tuần anh chỉ túc tắc nhận được khoảng hơn chục đơn hàng thì hiện số đơn hàng đã tăng gấp đôi.
Nạn nhân của dịch vụ kém
Giá cả dịch vụ giặt là năm nay vẫn giữ nguyên, nếu có tăng thì chỉ vào khoảng 10 ngày trước Tết và mức tăng khoảng 15 - 20% so với ngày thường. Tùy độ nặng nhẹ, chất liệu vải mà chi phí giặt được tính khác nhau, thường khoảng 30.000 - 70.000 đồng/chiếc.
Chị Trang - chủ tiệm giặt là trên địa bàn phường Nghĩa Đô, cho biết xưởng nhà chị có 18 máy giặt là công suất lớn, những ngày gần Tết, các máy này hoạt động gần như hết công suất. Vào mùa này, gia đình chị phải huy động hết nhân công để chở hàng cho khách, có những lúc hàng nhiều, chị phải thuê thêm cả xe ôm để giao hàng cho đúng thời điểm.
Sự mở rộng của các tiệm giặt là ngày càng đem lại tiện ích cho nhiều người, khi giáp Tết là thời điểm ai cũng bận rộn. Tuy nhiên, bên cạnh những công ty, cửa hàng, đại lý kinh doanh dịch vụ giặt là làm ăn uy tín, vẫn còn nhiều nơi kém về dịch vụ, chất lượng. Không ít khách hàng trở thành nạn nhân của những tiệm giặt là có dịch vụ chất lượng thấp.
Chị Lan, Khu Tập thể Bộ Tư pháp (Cầu Giấy) cho biết cách đây không lâu, chị có mang một chiếc chăn lông to của nhà đi giặt ở một tiệm giặt là cách nhà không xa. Sau 5 ngày, mang chăn về, chị thấy mùi rất hôi, theo kiểu ẩm mốc và đậm đặc mùi bột giặt trên chăn. Khi đắp vào người, chị thấy có dấu hiệu hơi ngứa. Sợ quá, chị phải mang chăn đến ngay một tiệm khác để giặt.
![]() |
Gần Tết, các tiệm giặt là luôn hoạt động hết công suất
Vấn đề là cách xử lý
Chị Mai (quận Hoàn Kiếm) lại bị hỏng một chiếc áo da. Chị Mai cho biết, chiếc áo chị mới mua, mặc một hai lần đem ra tiệm giặt cùng với một số loại áo khác của gia đình, lúc mang về không kiểm tra kỹ, vài tuần sau đem ra mặc mới biết chiếc áo mới bỗng biến thành cũ từ khi nào. Trên áo xuất hiện các vết rạn da, có những chỗ da bị nổ rộp lên như kiểu hỏng do mặc nhiều năm. Mặc dù rất bực mình, nhưng chị không dám mang ra cửa hàng hỏi, vì đã mang về nhà nhiều ngày, chẳng có bằng chứng gì để đòi bồi thường.
Nói về câu chuyện sự cố do sơ suất của các tiệm giặt là thì cũng rất nhiều. Theo anh Ngọc, chuyện là cháy áo, giặt áo lông vũ bị xẹp lông, vón cục, áo lông là bị vệt hằn, áo dạ bị đứt cúc, những chiếc áo khoác bị méo khuy, áo bị phai màu, trả hàng sai hẹn… không phải là chuyện quá hiếm. Vấn đề là cách xử lý của các tiệm giặt thế nào.
Theo anh Ngọc, khách hàng đặt dịch vụ qua đại lý, khi xảy ra sự cố thường khó xử lý hơn ở cửa hàng trực tiếp của công ty, hay xưởng giặt, vì việc này còn phụ thuộc vào mối quan hệ của đại lý với các ông chủ. Những đại lý lớn, thường mang nhiều mối khách, thường được chủ quan tâm, chăm sóc ưu ái hơn, có vấn đề gì nói với nhau một câu cũng dễ. Với những đại lý nhận hàng “lèo tèo”, lúc xảy ra sự cố rất khó ăn khó nói, nhiều khi bị chủ xưởng, hay chủ doanh nghiệp chối quanh, hoặc có bồi thường cũng chỉ rất ít so với giá trị thực của sản phẩm.
Chị Hoa, một tiểu thương, cho biết chị có chiếc áo dạ rất đẹp, mang đi giặt, lúc nhận hàng không kiểm tra kỹ, sau này mặc mới biết chiếc áo bị một vệt bàn là cháy xém nơi đuôi áo. Mang ra đại lý hỏi, họ bảo vì hôm trả hàng cho chị cũng là lúc khách đông họ chỉ nhìn qua không thấy lỗi đó, khi nhận hàng từ xưởng, họ hứa sẽ điện thoại hỏi lại xưởng xem thế nào. Sau 2 - 3 ngày không thấy thông tin, chị ra hỏi họ bảo bận nên quên, sau đó mới gọi cho xưởng. Phía xưởng nói hàng trả rồi đại lý không kiểm tra biết thế nào.
Không hài lòng, chị Hoa đề nghị được nói chuyện trực tiếp với chủ xưởng. Sau một hồi tranh luận gay gắt, chủ xưởng mới bằng lòng bồi thường cho chị.
Thu Hường