Ngày 28/9, theo thông tin từ nhà cung cấp công nghệ truyền động và điều khiển Bosch Rexroth, thời gian qua, họ đã tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị thủy lực sử dụng trong các dự án ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cống ngăn mặn Bông Bót giúp ngăn mặn vào nội đồng và trữ nước ngọt cho các kênh vào mùa khô ở ĐBSCL. |
Cụ thể là cống ngăn mặn Bông Bót (vận hành từ ngày 22/9/2020) với 6 xi lanh thủy lực cỡ lớn (được thiết kế đặc biệt bởi Bosch Rexroth để có thể vận hành trong môi trường độ mặn cao, tuổi thọ của xi lanh thủy lực gia tăng đáng kể từ 25 - 50 năm), đã giúp ngăn mặn vào nội đồng và trữ nước ngọt cho các kênh vào mùa khô.
Cống Bông Bót vận hành hiệu quả cùng một số cống ngăn mặn khác nằm trong những dự án giúp kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Trà Vinh, Bến Tre đã góp phần cải thiện năng suất vụ lúa đông xuân (cuối năm 2020, đầu năm 2021) tăng 144.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lúa ước đạt trên 7 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha - cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo giới chuyên gia, để ngăn nước mặn trên các sông, các cống ngăn mặn ở ĐBSCL sử dụng các cửa cống rộng 15 – 40m. Các cửa cống này thường sử dụng xi lanh thủy lực để vận hành đóng mở. Có thể hiểu rằng, thành công trong điều khiển cống ngăn mặn phụ thuộc khá nhiều vào hệ thủy lực điều khiển nâng hạ cửa cống.
Ông Lê Hoàng Việt, Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam, cho biết với công trình cống ngăn mặn Bông Bót, Bosch Rexroth đã góp phần phát triển thành công các giải pháp bền vững nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL.
T.Vinh