Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.
Theo ông Juan Lubroth - Giám đốc Chương trình thú y toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh và gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian.
Lợn nhiễm bệnh sẽ chết
Theo các chuyên gia của FAO, virus của dịch tả lợn không lây nhiễm sang người, nhưng hiện không có vắc xin, không thể chữa. Đây là một chủng độc cực cao, virus này sẽ khiến 100% số lợn bị nhiễm bệnh chết.
Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.
Theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 9/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín.
Các nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, các nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải bán tháo đàn lợn, đẩy giá thịt lợn giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần kiểm soát chặt các khu vực đường biên giới, đề phòng trường hợp lợn từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam.
Ông Nghiêm Văn Trung - người chăn nuôi tại Tp.Biên Hòa (Đồng Nai), chia sẻ hiện nay một số thương lái vẫn đang nhập lợn sống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Họ chỉ quan tâm đến giá, mã ngoài của con lợn mà ít để ý đến việc Trung Quốc đang bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nếu không ngăn chặn ngay việc nhập khẩu lợn Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, cầm chắc dịch này sẽ lây vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Viết Trung - chủ trại lợn ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho rằng vấn đề không kém quan trọng là cần ngay các giải pháp xử lý trong trường hợp Việt Nam xảy ra dịch bệnh này.
Cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu lợn từ Trung Quốc |
Đề xuất cấm nhập khẩu thịt lợn
Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cho trang trại xảy ra dịch bệnh và kiểm soát dịch để ngăn chặn tình trạng heo bệnh được bán đi khắp nơi gây dịch tràn lan.
Cùng với đó, ông Nguyễn Tấn Hậu - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Tám Do (Đồng Nai), kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm công bố lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn đông lạnh như Philippines đang áp dụng vì nguy cơ mang mầm bệnh là rất lớn.
Mặt khác, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết thời điểm này rất nhạy cảm. Nông dân đang rất lo. Thời điểm trước khi có nhiều thông tin dịch bệnh, người dân cũng chần chừ không dám tái đàn, vì không biết mức giá hiện tại sẽ duy trì được bao lâu. Hiện nay, tổng đàn của các DN còn rất dồi dào. Bây giờ lại thêm thông tin dịch bệnh ở bên kia biên giới đe dọa, người dân càng thêm hoang mang.
Trước tình hình này, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và dân cư khu vực biên giới.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), khuyến nghị các đơn vị phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi lợn đang phát triển tốt, chiếm tỷ trọng cao, nếu có biến cố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
“Các DN, HTX và người chăn nuôi không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh. Cần chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng, hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Dương khuyến cáo.
Thy Lê