Trong đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu dự kiến trình Quốc hội vào năm tới có đề cập lý do sợ “vỡ quỹ” BHXH là do tuổi thọ tăng. Căn cứ chính của đề xuất này, theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, về nguyên tắc, bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng và thời gian hưởng, phải xây dựng chính sách dài hơi, có kế tiếp và chuyển tiếp.
Tăng tuổi hưu vì tuổi thọ tăng
Theo kết quả nghiên cứu của ILO, hiện nay, chính sách BHXH đã bao phủ khoảng 20% lực lượng lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, độ tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang quá thấp, đặc biệt là đối với nữ. Một số nhóm lao động lại được phép về hưu sớm cộng với dân số đang già hóa, tuổi thọ người dân tăng cao và tỷ suất sinh giảm khiến tỷ lệ lao động trên số người hưởng lương hưu thấp. Điều này tạo áp lực nặng nề lên quỹ BHXH.
Theo ông Trần Đình Liệu, khi đất nước phát triển, GDP tăng, mức sống của người dân cao hơn cả về thể chất, thể lực. Tuổi thọ cao hơn thì phải tăng tuổi hưu, hai vấn đề này luôn song hành không thể tách biệt.
Từ khi xây dựng chính sách BHXH từ 1995 đến nay, nền nguyên tắc của Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn. Với thời gian đóng BHXH như Việt Nam, các nước chỉ cho hưởng lương hưu 40 - 60%, nhưng mình lên tới 75%.
![]() |
Việt Nam là nước có chế độ trả lương hưu "hào phóng" nhất khu vực
Việt Nam cần điều chỉnh, cần nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên vì tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng. Nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 55 tuổi đối với lao động nữ và 60 tuổi đối với lao động nam như hiện tại thì đến năm 2037, quỹ BHXH sẽ mất cân bằng do mức thu bằng mức chi và phải lấy ngân sách bù vào. Theo công thức từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình đang là 25 năm, hưởng 13 năm và tuổi thọ trung bình khi về hưu là 54 tuổi.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình tăng lên 73 tuổi nên cần tới 19 năm hưởng lương thay vì 13 năm trước đó, như vậy quỹ BHXH đang mất cân đối 6 năm. Nếu điều chỉnh tăng tuổi như đề xuất, thì khoảng hụt sẽ chỉ còn 1,5 - 2 năm, thay vì 6 năm như hiện tại, tránh lãng phí nguồn ngân sách.
Cân đối quỹ là việc tất yếu
Đứng trước câu hỏi có phương án nào khác thay thế cho việc tăng tuổi hưu như tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, do hiện nay tỷ lệ người tham gia BHXH tại Việt Nam mới đạt mức 23%, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, quỹ BHXH là quỹ hạch toán cân đối chung nhưng quản lý riêng cho từng người, nên tỷ lệ người tham gia đóng nhiều hay ít không ảnh hưởng tới quỹ.
Người nào đóng cao sẽ được hưởng mức lương hưu cao, nhiều người đóng sẽ có nhiều người được hưởng. Tăng tỷ lệ đóng sẽ tạo được điều kiện thuận lợi cho người mới tham gia và tăng quỹ thời gian đầu, nhưng khi cân bằng tính cả quá trình đóng thì không tác động đến sự thay đổi của quỹ.
Theo ILO, hiện nay Việt Nam là nước có chế độ trả lương hưu “hào phóng” nhất trong khu vực, với mức đóng 32,5% mà trong đó đã bao gồm cả bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hưu trí. Hiện mức hưu trí của Việt Nam đang là 26% nhưng mức lương hưu được hưởng là 75%, bao gồm cả tử tuất, đóng không hết thời gian hưởng thì người thừa kế vẫn được hưởng. Trong khi đó, tại Thái Lan, đóng 10% là chỉ tính riêng quỹ hưu trí nhưng chỉ hưởng 20%. Do vậy, việc cân đối quỹ là tất yếu.
Trước vấn đề người lao động cho rằng BHXH vận hành chưa minh bạch, cách quản lý quỹ chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng trục lợi, bộ máy phình to, ông Trần Đình Liệu khẳng định, quỹ BHXH hạch toán độc lập, công khai minh bạch từ các quỹ thành phần, bao gồm: quỹ hưu trí, BHYT, BHTN, tai nạn lao động…
“BHXH Việt Nam là tổ chức duy nhất có sử dụng lao động ít nhất thế giới, với khoảng 20.000 người, phục vụ 73 triệu người. Hiện nay, một cán bộ của BHXH đang quản lý thu chi quỹ cho khoảng 4.000 người, thu chi mỗi năm 400.000 tỷ đồng, mà theo đúng định mức phải 30.000 cán bộ mới đáp ứng được”, ông Liệu cho biết.
Thùy Linh