Tại hội thảo Công bố báo cáo Dự án hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công - tư ở Việt Nam, diễn ra ngày 25/11, Ts. Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam (IPSARD), cho biết: Kết quả của chương trình thí điểm BHNN được thực hiện theo Quyết định 315/QĐ-TTg, cho thấy bảo hiểm vật nuôi được thực hiện trên địa bàn rộng nhất với 9 tỉnh; số hộ tham gia BH lúa là lớn nhất với trên 200.000 hộ, trong đó chủ yếu là hộ nghèo.
Tương tự, tham gia BH vật nuôi cũng chủ yếu là hộ nghèo nhưng với BH thủy sản, chủ yếu lại là hộ không nghèo. Tỷ lệ giữa số tiền bồi thường so với tổng doanh thu phí BH lúa và vật nuôi chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thủy sản là 300%, tức là kinh doanh BH thủy sản bị lỗ.
![]() |
Bảo hiểm cho vật nuôi, là hoạt động bảo hiểm phức tạp
Nhiều yếu tố cản trở
Theo Ts. Trần Công Thắng - chương trình BHNN thí điểm được triển khai có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và các công ty bảo hiểm, cho thấy tiềm năng thúc đẩy mô hình liên kết công - tư trong lĩnh vực BHNN tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng bộc lộ một số nhược điểm, như: sự chậm trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai BHNN; hệ thống chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo; chức năng và nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của các bên tham gia chưa được quy định rõ ràng, nên công tác phối hợp thực thi còn nhiều lúng túng…
Đặc biệt, chính sách BHNN được triển khai nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp, song với mức hỗ trợ 100% cho hộ nghèo và 90% cho hộ cận nghèo, số liệu thống kê cho thấy chủ yếu là hộ nghèo tham gia BHNN (chiếm khoảng 80% tổng số hộ tham gia BH lúa và vật nuôi), do đó phần nào cản trở sự phát triển của BHNN theo cơ chế thị trường.
Đồng quan điểm về sự phát triển của BHNN tại Việt Nam thiếu tính thị trường, ông Nguyễn Duy Linh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam, BHNN vẫn được coi là nhiệm vụ chính trị nhiều hơn nguyên tắc thị trường. Mặc dù bước đầu đã có liên kết công - tư trong chương trình thí điểm, song sự tham gia của các công ty bảo hiểm vẫn là theo chỉ định của Nhà nước thay vì tự nguyện đăng ký tham gia.
Ngoài ra, sự tham gia của các đơn vị tư vấn, nghiên cứu, cung cấp số liệu hay công tác tham vấn nông dân chưa được chú trọng đặc biệt là trong khâu thiết kế sản phẩm BH, dẫn đến tình trạng sản phẩm BH phải thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của nông dân và thực tiễn thực thi BH.
Bắt bệnh BHNN Việt nam vì sao chậm phát triển, ông Linh cho rằng về mặt thể chế, hệ thống BHNN Việt Nam đang có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước. Nhìn sâu vào lĩnh vực thể chế pháp lý, chưa đào sâu được Việt Nam cần gì, tổ chức thế nào. Bên cạnh đó, nhân sự BH Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu.
Cần xây dựng lộ trình hợp lý
Nhiều ý kiến cho rằng, để áp dụng rộng rãi và đảm bảo thành công, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều từ các mô hình trên thế giới, trong đó điển hình là BHNN Tây Ban Nha. Kinh nghiệm thực thi BHNN tại Tây Ban Nha cho thấy cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên thông tin của tất cả các bên liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lưu giữ để kiểm tra chéo và tập trung để khai thác một cách hiệu quả nhất.
Trong khi thực tế tại Việt Nam, hệ thống thông tin, số liệu phục vụ cho BHNN rải rác, thiếu chi tiết và chưa đáng tin cậy. Do đó, cần phải có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp phục vụ cho BHNN. Muốn vậy, cần có cơ sở chính sách rõ ràng cho hoạt động thu thập, quản lý thông tin này.
Qua tìm hiểu hệ thống tổ chức, thực thi BHNN của Tây Ban Nha, Ts. Trần Công Thắng cho biết hệ thống BHNN Tây Ban Nha được tổ chức chặt chẽ, từng cấp hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau nhưng phân công vai trò rõ ràng và được phát triển theo từng bước: từ BH đơn đến đồng BH, rồi tái BH công và tái BH quốc tế. Bên cạnh đó, yếu tố đóng góp lớn cho thành công của BHNN Tây Ban Nha là sự tham gia tự nguyện, bình đẳng của các bên liên quan. Sự đóng góp của các bên liên quan là khác nhau nhưng đồng thuận về nguyên tắc.
Cách tổ chức BHNN Việt Nam gồm Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chịu trách nhiệm kỹ thuật, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chịu trách nhiệm tài chính, nhưng thiếu một cơ quan nhà nước có chuyên môn sâu, cụ thể và độc lập như cơ quan BHNN Tây Ban Nha (ENESA) đảm nhiệm cả kỹ thuật và tài chính, hay một cơ quan tập trung thông tin, phân tích, đóng vai trò điều phối về mặt kỹ thuật BH như Hiệp hội BHNN Tây Ban Nha (Agroseguro).
Theo đại diện ENESA, tùy theo sự phát triển của năng lực chuyên môn, đội ngũ cán bộ và ngân sách cho phép, cần xây dựng một lộ trình hợp lý để triển khai BHNN theo từng bước, từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp, từ những rủi ro dễ đo lường và dễ xác định thiệt hại đến các rủi ro tổng hợp.
“Việt Nam làm BH cho vật nuôi, như bệnh lở mồm long móng - là dịch bệnh khó đánh giá thiệt hại, là hoạt động BH phức tạp mà các công ty bảo hiểm tại Tây Ban Nha không dám thực hiện”, đại diện ENESA nhận xét.
Thu Hường