Kháng sinh được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) dưới hai dạng phổ biến: thuốc phòng bệnh, trị bệnh và phụ gia kích thích sinh trưởng. Liều sử dụng khi làm phụ gia thức ăn kích thích sinh trưởng thường thấp hơn, so với liều phòng và trị bệnh.
Sử dụng bừa bãi, liều lượng cao
Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong hai năm 2012 và 2014, Cục đã tổ chức điều tra tại 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh TĂCN công nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh thành cả nước. Kết quả cho thấy trong tổng số 94 đơn vị được điều tra thì có 60 đơn vị (chiếm 64%) cung cấp thông tin có sử dụng kháng sinh trong TĂCN.
Trong đó, có 54 đơn vị sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng, 20 đơn vị sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, một số đơn vị sử dụng cho cả hai mục đích (kích thích sinh trưởng và phòng bệnh).
Điều tra đánh giá thực trạng sử dụng kháng sinh trong TĂCN tại một số trang trại chăn nuôi cho thấy: Tại trại chăn nuôi gà thịt, có 7/19 loại kháng sinh trong quy chuẩn được các cơ sở chăn nuôi sử dụng. Tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy định tại quy chuẩn. Các trại chăn nuôi sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh và thời gian phòng bệnh theo hướng dẫn ghi trên nhãn sản phẩm.
Ngoài ra, còn có 5 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn (Colistin, Doxycilin, Enrofloxacin, sulfachloropyrazine, Trimethoprim) cũng được sử dụng để phòng bệnh. Các trại chăn nuôi quy mô lớn và nhỏ đều không biết sử dụng kháng sinh liều thấp có tác dụng kích thích sinh trưởng. Vì vậy, tất cả đều cho rằng kháng sinh chỉ dùng phòng bệnh, liều sử dụng cao hơn mức kích thích sinh trưởng và chỉ sử dụng theo mùa, hoặc khi có dấu hiệu bệnh.
Tại các trại chăn nuôi lợn thịt, chỉ có 4/9 loại kháng sinh trong quy chuẩn được sử dụng. Trong đó, hầu hết các đơn vị đều dùng với mục đích phòng bệnh, hàm lượng sử dụng khá cao, cao hơn quy định 2 - 4 lần. Các đơn vị cũng cho rằng chỉ sử dụng khi có dấu hiệu lợn mắc bệnh, hoặc sử dụng theo mùa trong thời gian từ 3 đến 10 ngày tùy từng loại kháng sinh.
Điều tra tại các cơ sở chăn nuôi sử dụng TĂCN công nghiệp: Chỉ có 56/86 (chiếm 65%) cơ sở quan tâm đến kháng sinh trong thức ăn khi mua về. Tuy nhiên, có 46/86 (chiếm 53%) số trại chăn nuôi trộn kháng sinh vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi với mục đích phòng bệnh và trị bệnh (phòng bệnh 46 cơ sở, trị bệnh 30 cơ sở).
Trại chăn nuôi sử dụng kháng sinh là do kinh nghiệm trong chăn nuôi cho thấy cần phải trộn thuốc vào thức ăn hoặc nước uống để phòng bệnh. Việc phòng bệnh theo mùa hoặc khi có dấu hiệu vật nuôi mắc bệnh.
![]() |
Trại chăn nuôi sử dụng kháng sinh là do kinh nghiệm trong chăn nuôi cho thấy cần phải trộn thuốc vào thức ăn hoặc nước uống để phòng bệnh.
Quản lý tốt quy trình chăn nuôi
Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi được Gs. Vũ Duy Giảng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết hiện một số kháng sinh cấm sử dụng trong điều trị thú y như Eprofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Carbodox, Olaquidox… nhưng vẫn được lén lút NK vào Việt Nam và sử dụng trái phép. Việc sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TĂCN cùng với việc sử dụng kháng sinh bừa bãi để điều trị bệnh trong nhân y và thú y là thủ phạm chính gây kháng kháng sinh (nhờn thuốc).
Hàng năm có khoảng 25.000 người bị chết vì nhiễm các bệnh do nhờn thuốc và chi phí cho các tổn thất vì loại bệnh truyền nhiễm này uớc tính lên tới 1,5 tỷ EUR mỗi năm. Chính vì vậy, tất cả các nước trong EU và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ngừng sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TĂCN. Tồn dư kháng sinh trong thịt, sữa, trứng… sản xuất trong nước hay NK được họ kiểm soát nghiêm ngặt và ngăn chặn kịp thời.
Theo các chuyên gia, để quản lý tiến tới ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, cần ban hành Danh mục kháng sinh cấm sử dụng trong TĂCN; Ban hành Danh mục kháng sinh được phép sử dụng với mục đích kích thích sinh trưởng trong TĂCN và giới hạn hàm lượng cho phép (tối thiểu - tối đa); Quy định về sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi (chỉ sử dụng khi có bệnh, tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán, áp dụng quy trình VietGAHP).
Nâng cao năng lực thử nghiệm cho các phòng phân tích; Tổ chức sản xuất theo chuỗi để có thể truy xuất được sản phẩm có tồn dư kháng sinh và có biện pháp xử lý theo quy định; Phát huy đường dây nóng, phối hợp với Cục C49 từ đó tổ chức trinh sát, xác minh thanh tra kiểm tra đột xuất khi nhận được thông tin về các dấu hiệu vi phạm…
Thu Hường