Quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn được tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trên đã được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay là rà soát, tích hợp, bãi bỏ chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể là giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng. Chính phủ thúc đẩy tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…
Ảnh minh họa |
Theo Ủy ban Dân tộc, qua 8 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã hỗ trợ trên 40 triệu lượt người, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, chính sách này hiện nay không còn phù hợp.
Chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng hình thức cho không chỉ thích hợp trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Ủy ban này cũng cho rằng xuất hiện một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Việc hỗ trợ bằng cách cho không trong thời gian dài với định mức thấp, không được điều chỉnh cũng chưa đủ mạnh để hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp này còn có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khác như chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này càng làm cho hiệu quả của chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo càng không có ý nghĩa trên thực tế.
VT