Trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước, bị sạt lở đất đá, hư hỏng không thể qua lại, nhất là các tuyến đường nội xã, nội thôn. Nhiều khu vực dân cư vẫn trong tình trạng bị chia cắt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
Cô lập, chia cắt vì lũ
Yên Thành là một trong những địa phương ở Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng từ hậu quả cơn bão số 3. Hiện tại, trên Quốc lộ 7A và 7B đã ngập một số đoạn ở các xã Bảo Thành, Khánh Thành, Công Thành, Trung Thành với khoảng gần 3km.
Ngoài ra, toàn huyện cũng đang có rất nhiều xóm, khu dân cư bị ngập nặng. Theo báo cáo nhanh từ huyện Yên Thành, hiện có khoảng 900 hộ ở các xã Công Thành, Khánh Thành, Long Thành bị ngập, giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Tại các địa phương khác như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An)… mưa lũ cũng đã gây ngập nặng các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã khiến cho nhiều vùng bị chia cắt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: Đang có hai xã biên giới là Thông Thụ và Nậm Giải bị cô lập vì nước lũ. Nước lũ chảy xiết nên việc đi lại là hết sức nguy hiểm.
Tại Hà Tĩnh, một số địa phương như Vũ Quang, Hương Sơn… nước lũ gây ngập nhiều tuyến đường giao thông khiến cho nhiều xóm, làng bị cô lập.
Cụ thể, một số thôn, xóm ở xã Đức Bồng, Đức Lĩnh… huyện Vũ Quang; xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Tiến… huyện Hương Sơn… đang bị nước lũ gây chia cắt, giao thông khó khăn.
Tính đến chiều ngày 19/7, mưa lũ đã làm hơn 12.000 ha lúa, 6.700 ha ngô và rau màu, 1.000 ha cây lâu năm và cây ăn quả, 15.000 tấn muối… ở Nghệ An chìm sâu dưới nước.
Còn ở Hà Tĩnh, hiện đang có gần 10.000ha lúa hè thu và rau màu ngập úng; trong đó, một số địa phương ngập nặng như Đức Thọ 1.733ha, Lộc Hà 800ha, Hương Sơn 800ha, Can Lộc 1.554ha…
Trước đó, khoảng 21h tối 18/7, một trận lốc xoáy lớn xảy ra tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khiến khoảng 15 hộ dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Theo người dân địa phương, trận lốc xoáy quét qua thôn 2 xã Xuân Phổ rất nhanh, hất phăng mái nhà của các hộ dân trong thôn.
Cũng do ảnh hưởng từ cơn bão Sơn Tinh, tính đến 17h ngày 18/7, toàn tỉnh Nghệ An đã có 1 nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở, 10.548 ha lúa bị ngập, 3.712 ha ngô, rau màu các loại bị ngập, 570 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Nhiều địa phương ở Nghệ An cũng đã bị chia cắt do nước dâng cao ngập một số tuyến đường giao thông. Trước đó, để ứng phó với bão số 3, khoảng 16.000 hộ dân tại một số xã ở các huyện ven biển đã được di dời đến nơi an toàn.
Tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h30 ngày 18/7 bão số 3 đã làm 4 nhà dân bị đổ sập ở các huyện Tĩnh Gia, Yên Định, Như Thanh và Vĩnh Lộc. Mưa lớn cũng đã khiến 465 nhà dân ở huyện Tĩnh Gia bị ngập nước. Ngoài ra, mưa lớn do ảnh hưởng cơn bão cũng đã có 9.617,75 ha lúa bị ngập nước, sạt lở 493 m kênh mương và 108,95 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn.
Quốc lộ 48E tại Nghĩa Đàn - Nghệ An bị ngập khiến giao thông tê liệt |
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Hiện, các nhà máy thủy điện ở Nghệ An, Hà Tĩnh bắt đầu xả lũ cộng với mưa lớn sau bão khiến nước trên các con sông lên nhanh, mực nước ở một số sông đã ở mức báo động 1 - 2, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh sẽ khiến tình trạng ngập lụt có khả năng nặng nề hơn.
Ngay sau khi bão tan, mưa ngớt, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được các ngành, địa phương và người dân nỗ lực triển khai. Tuy nhiên ở một số địa phương, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều diện tích ao hồ nuôi thủy sản, đồng ruộng đang bị ngập, phải chờ nước rút bớt mới khắc phục được.
Trong sáng 19/7, các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An đã kiểm tra các cống, hồ đập, có giải pháp điều tiết, đóng mở nước hợp lý để vừa bảo đảm an toàn cho các hồ đập, vừa có thể tích trữ nước đề phòng có thể sẽ còn những đợt nắng nóng, khô hạn trong thời gian tới. Ở một số tuyến giao thông bị ngập nước, hư hỏng, sạt lở, ngành giao thông đã bố trí phương tiện, lực lượng để khắc phục kịp thời.
Còn tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết ngay trong sáng 19/7, huyện đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền xã Xuân Phổ cùng nhân dân lợp lại mái nhà và sửa lại các hạng mục bị hư hỏng của 13 ngôi nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái và hư hỏng.
Huyện cũng đưa 861 người chủ yếu là người già và trẻ em của các xã vùng ven biển, vùng xung yếu đã được di dời trước bão trở về nhà. Các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang… với nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt cũng đã được chính quyền, người dân tổ chức tiêu úng.
Thanh Hải