Tại hội thảo “Những nhân tố tác động đến hành vi cản trở tác nghiệp báo chí giai đoạn 2011 – 2015”, do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) – Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 20/6, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia RED, cho rằng môi trường tác nghiệp báo chí đã trở nên phức tạp hơn, mức độ rủi ro cao hơn.
Gia tăng mức độ rủi ro
Giai đoạn vừa qua đã chứng kiến chiều hướng suy giảm đáng lo ngại về đạo đức tác nghiệp, tính chuyên nghiệp và mức độ tuân thủ của những người làm báo. Thái độ đánh giá của người dân, đặc biệt là nhóm DN đối với báo chí, đã trở nên tiêu cực. Điều đó làm gia tăng mức độ rủi ro người làm báo bị cản trở, thậm chí bị tấn công.
Trong quá trình tác nghiệp, một số nhà báo, phóng viên gặp phải sự cản trở công bố thông tin từ các doanh nghiệp lớn. Trong số 1.134 phản hồi của các nhà báo, phóng viên trong khảo sát của RED, có đến 498 người được hỏi, chiếm 44%, đã từng gặp phải các tình huống cản trở tác nghiệp ít nhất một lần, gần 36% đã từng bị cản trở từ 5 lần trở lên.
Khảo sát thực hiện tháng 5/2016 về trải nghiệm bị cản trở tác nghiệp của phóng viên cho thấy xu hướng tiếp tục xấu đi, khi có tới 96% người trả lời đã từng bị cản trở, so với mức 88% trong khảo sát vào năm 2011 của RED.
Dữ liệu thống kê của RED cho thấy các vụ cản trở ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa, hành hung nhà báo ghi nhận từ năm 2011 không gia tăng về số lượng (khoảng 40 vụ việc mỗi năm).
Đồng quan điểm trên, nhà báo Thuận Hải – một nhà báo có thâm niên công tác hơn 35 năm trong nghề, cho rằng con số thống kê các vụ việc vi phạm quyền tác nghiệp trong 5 năm qua cho không tăng, nhưng hình thức vi phạm và hậu quả đối với các nhà báo ngày càng nghiêm trọng; từ thái độ bất hợp tác, xua đuổi, nhắn tin, đe dọa đã đẩy lên bằng các hình thức đánh người, phá hủy phương tiện, thuê xã hội đen khủng bố tinh thần hoặc gây thiệt hại vật chất, thậm chí đến xâm hại tính mạng…
Dự báo về xu hướng hành vi cản trở tác nghiệp báo chí trong thời gian tới, các chuyên gia của tổ chức RED nhận định, môi trường tác nghiệp đang bị thay đổi và chi phối bởi khuôn khổ thể chế và chính sách liên quan đến báo chí; các cơ chế bảo vệ quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp; xu hướng thị trường thông tin; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ di động, mạng xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, môi trường tác nghiệp có thể tiếp tục xấu đi, xét trên mức độ tuân thủ quy trình và đạo đức tác nghiệp.
Ông Phan Hữu Minh – Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cũng thừa nhận là văn hóa, chuẩn mực và mức độ tuân thủ quy trình tác nghiệp, đạo đức tác nghiệp báo chí đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
![]() |
Nhà nước nên nhìn nhận và điều chỉnh báo chí như một ngành kinh tế và hoạt động theo nguyên tắc thị trường?
Điều chỉnh hoạt động báo chí
Uy tín và vị thế xã hội của người làm báo trong cảm nhận và đánh giá của công chúng, đặc biệt là doanh nghiệp, sụt giảm đáng kể. Điều này làm gia tăng đáng kể rủi ro bị cản trở và tấn công cho người làm báo.
Phải nói rằng môi trường pháp lý hỗ trợ và bảo vệ phóng viên trong giai đoạn 2011 – 2016 đã có sự điều chỉnh tích cực, đó là việc ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Theo đó, việc cản trở, hành hung phóng viên được đưa vào xử lý theo hướng là một tình tiết tăng nặng, chứ không phải hành vi xử lý hành chính thông thường.
Điều này nhằm tăng cường tính răn đe đối với các chủ thể có ý định hành hung tấn công nhà báo. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng vụ việc cản trở phóng viên được xử lý theo Nghị định 159 là rất hạn chế.
Nhà báo Thuận Hải dẫn chứng, ngoài vụ việc tại Bình Phước (phóng viên Bùi Điệp – Báo Tuổi trẻ và Đời sống) được xử lý bằng bản án hình sự, hay vụ việc tại Quảng Ngãi được ông Hoàng Duy – Chánh Thanh tra Sở Thông tin truyền thông, xử phạt chủ doanh nghiệp 10 triệu đồng theo Điều 7, Nghị định 159 và một số vụ việc xin lỗi do công an gọi đối tượng lên với tội danh là có hành vi gây rối làm mất trật tự an ninh xã hội, còn hầu như có tới 90% số vụ việc được thống kê là không bị xử lý hoặc “chìm xuồng”.
Đây là nguyên nhân làm cho các nhà báo bị cản trở, hành hung thấy mình “bơ vơ” trong hoạn nạn. Theo báo cáo của RED, trước các tính huống cản trở tác nghiệp, nhà báo, phóng viên thường không tìm kiếm sự hỗ trợ từ bất kỳ nguồn nào, có tới 323 kết quả trả lời không bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ (33,2%).
Trong các trường hợp cần sự hỗ trợ, hoặc chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình huống bị cản trở, các nhà báo thường ưu tiên chọn những người thân trong gia đình hơn, như bạn bè, đồng nghiệp (14,1%) hay từ chính tòa soạn (13%).
Họ phải tìm đến các mối quan hệ thân quen, đồng nghiệp để theo đuổi sự trừng phạt từ pháp luật, hoặc nhận đền bù vật chất từ bên gây ra lỗi. Cách giải quyết này có thể thỏa mãn cho từng cá nhân, nhưng để lại dư luận và tâm lý rất bất lợi cho đội ngũ các nhà báo nói riêng và môi trường hoạt động báo chí nói chung, bởi những cơ quan cá nhân có xác suất tiếp xúc với nhà báo cao sẽ định hình được cách ứng xử theo nguyên tắc “đánh trước, đàm sau”.
Nhằm cải thiện và hướng tới một môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp, qua đó nâng cao được an toàn tác nghiệp cho người làm báo, các chuyên gia khuyến nghị, về chính sách, Nhà nước nên nhìn nhận và điều chỉnh báo chí như một ngành kinh tế và hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Tuy nhiên, để lợi ích công được bảo vệ, cũng như bảo đảm rằng Nhà nước có những kênh thông tin riêng của mình, nhóm nhỏ các cơ quan báo chí được nhận bao cấp của ngân sách nhà nước cần được xác định. Tất cả các cơ quan báo chí còn lại, bao gồm báo ngành, cần phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Đối với tòa soạn và các hoạt động đào tạo phóng viên, cần chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên mới vào nghề, thiết lập mạng lưới đồng nghiệp bảo vệ đồng nghiệp…
Thu Hường