Khẩn trương nắm bắt tình hình
Ngay sau khi bão số 3 qua đi, Agribank đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, để nắm bắt tình hình. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Toàn Vượng –Tổng Giám đốc Agribank dẫn đầu, đã làm việc với các chi nhánh Agribank trên địa bàn TP Hải Phòng, đồng thời tới động viên, thăm hỏi một số khách hàng vay vốn.
Trên diện tích rộng khoảng 13 ha, gia đình ông Phạm Văn Nhiêu (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đã đổ bờ ao kiên cố bằng bê tông, tiến hành ngăn và xây bể xi măng giữa lòng ao dùng để nuôi cá lăng và cá điêu hồng. Theo ông Nhiêu, để thực hiện mô hình này, ông phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe về diện tích mặt nước, đầu tư lớn vào cơ sở vật chất để vận hành máy móc kết hợp kỹ thuật chăm sóc bài bản. Kinh phí đầu tư khá lớn với mức từ 200 - 250 triệu đồng/bể nuôi. Từ các bể cá của mình, mỗi năm ông Nhiêu thu hoạch trên hàng trăm tấn cá. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đi qua khiến gia đình ông bị thiệt hại khoảng 200 tấn cá giống, cá thịt (gồm cá lăng, cá tầm và cá diêu hồng) và 3 khu lán trại, ước tính thiệt hại 13 tỷ đồng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank và đoàn công tác thăm hỏi khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3. |
Từ tình hình thực tế của ông Phạm Văn Nhiêu và các cơ sở sản xuất kinh doanh của một số khách hàng vay vốn khác trên địa bàn, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng chia sẻ với những tổn thất của hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các Chi nhánh trên địa bàn chủ động liên hệ khách hàng vay vốn, nắm bắt thiệt hại để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ phù hợp; Công ty Bảo hiểm ABIC kịp thời nắm bắt thông tin và thực hiện các thủ tục bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Cùng trong thời gian qua, các đoàn công tác của Agribank cũng đến Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang… - là những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề để chia sẻ với chính quyền và người dân địa phương, đồng thời nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng vay vốn Agribank trên địa bàn.
Là một hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt diện rộng sau bão, hộ kinh doanh điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng của ông Trần Văn Hòa (Tổ 5A, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị ngập toàn bộ số hàng hóa, ước tính thiệt hại lên tới 4,2 tỷ đồng.
Hộ gia đình bà Trần Thị Tuyết (thôn Duyên Hà, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) mất trắng 20.000 con gà do lũ lụt. |
Trong tình cảnh tương tự, bà Trần Thị Tuyết (thôn Duyên Hà, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có trang trại chăn nuôi với trên 20.000 con gà bị ngập lũ mất trắng. Bà Tuyết chia sẻ: “Gia đình hiện gặp nhiều khó khăn và cũng chưa biết bắt đầu khôi phục sản xuất từ đâu”.
Sau thiên tai, hơn lúc nào hết, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp đặc biệt ở những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức trong đó có ngân hàng. Sự đồng hành của Agribank lúc này sẽ giúp đưa ra các giải pháp, góp phần hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp các vùng bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
“Điểm tựa” của khách hàng
Qua thống kê sơ bộ tình hình hoạt động, thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, có khoảng 15.000 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng; trong đó, các lĩnh vực chủ yếu bị ảnh hưởng: Cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi ...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng, tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, dư nợ bị ảnh hưởng tập trung vào các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; kinh doanh bất động sản; du lịch với khoảng 260 khách hàng, dư nợ dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân, dư nợ bị ảnh hưởng tập trung chính ở các ngành kinh doanh bán lẻ, tiêu dùng với trên 7.300 khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng dự kiến trên 2.300 tỷ đồng.
Các xưởng sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng, Agribank sẽ hỗ trợ các chính sách phù hợp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… Để kịp thời hỗ trợ các khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, Agribank triển khai Chương trình giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, đối với dư nợ hiện hữu (bao gồm VND và USD) tại thời điểm 06/9/2024, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9 – 31/12/2024. Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng có điều kiện ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 06/9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Là ngân hàng chủ lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cũng là lĩnh vực bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng.
N.H