Sự chuyên nghiệp của nông dân là "chìa khóa" để tạo ra hiệu quả, nhưng đến nay, lực lượng này chỉ chiếm gần 5% trong tổng số hơn 11 triệu nông dân Việt Nam.
Hơn 95% nông dân còn lại manh mún từ khâu chọn giống, chăm sóc (phân bón, thuốc BVTV…), đến tiêu thụ sản phẩm. Kiến thức sản xuất khoa học, áp dụng kỹ thuật, cải tiến máy móc, tận dụng internet, để giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, liên kết thị trường... cũng thiếu trầm trọng.
Thay đổi tư duy
Việt Nam là một trong những cường quốc về XK nông sản. Tuy nhiên "thành danh nhưng vẫn thiếu tên", nông sản Việt hoàn toàn "lép vế" với các loại nông sản ngoại trên trường quốc tế, thậm chí thua ngay trên "sân nhà". Thực trạng này là do những tồn tại, hạn chế cố hữu của người nông dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Trí - Chủ tịch HĐQT công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao (công ty Bạch Đằng - Bộ Công an), cho biết ở các nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Israel, Nhật Bản… ngoài các ứng dụng KH-CN hiện đại, người nông dân của họ rất chuyên nghiệp trong sử dụng công nghệ, thiết bị điện tử phục vụ sản xuất.
"Trong khi ở Việt Nam, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, hoàn toàn xa lạ với máy móc, thiết bị công nghệ cao, canh tác lạc hậu làm giảm năng suất, chất lượng nông sản, gây hại cho môi trường. Điều này một phần do bản thân những người nông dân, nhưng một phần cũng do nền nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế, từ việc xây dựng chính sách đến quản lý, điều hành sản xuất trực tiếp. Nông dân vẫn chưa được thụ hưởng lợi ích từ chính sách", ông Trí nói.
![]() |
Để hội nhập, nông dân cần thay đổi tư duy từ cách nghĩ đến cách làm
Thực tế này đòi hỏi nông dân Việt cần thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh "sóng lớn" từ hội nhập. Theo Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn: "Để trở thành chủ thể của sản xuất, người nông dân cần 3 thứ kiến thức: Thứ nhất là nhận thức, hội nhập đòi hỏi nông dân thay đổi tư duy từ cách nghĩ đến cách làm. Thứ hai là kiến thức về KH-KT, thị trường, quản lý kinh tế. Thứ ba là hiểu rõ về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước".
"Để đứng vững và tăng cạnh tranh trong hội nhập, nông dân nhất định phải thay đổi tư duy sản xuất. Bắt đầu từ cách thức sản xuất, phải tạo ra chuỗi liên kết giữa các hộ nông dân, giữa các vùng sản xuất để sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải sản xuất những gì nông dân làm được", ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, Hội Nông dân Việt Nam cũng xác định, xây dựng một thế hệ nông dân mới có tư duy thị trường, kiến thức sản xuất, trách nhiệm xã hội là đòi hỏi cấp thiết.
Đứng vững trong hội nhập
Trên cơ sở này, một đề án bao gồm 10 đặc điểm của nông dân 5 mới (tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới, quyết tâm mới) được đưa ra. Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có một tầng lớp người nông dân chuyên nghiệp, đủ sức hội nhập, cạnh tranh với nông dân thế giới.
Trong đề án này, Hội Nông dân Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng, đào tạo đội ngũ "nông dân chuyên nghiệp", có tư duy, có kiến thức, tâm huyết, lòng yêu nghề.
Những người sản xuất giỏi, có đầu óc kinh doanh, biết ứng dụng công nghệ gắn với thị trường. Những người được đào tạo, được thông tin đầy đủ để tránh rủi ro trong sản xuất. Họ đồng thời là những người tham gia làm công nghiệp và dịch vụ.
Nghị quyết 26 hướng đến phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân là chủ thể, nông thôn phải mới. Để đạt được mục tiêu này, những nút thắt trong nông nghiệp cần phải được tháo gỡ, để 11 triệu hộ dân nông thôn có cơ hội tiến lên chuyên nghiệp. Chỉ khi làm được điều này, nông nghiệp mới có thể đứng vững, cạnh tranh trong hội nhập.
Hiến Nguyễn