Theo khảo sát tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ Tết đang tăng cao đột biến. Điển hình tại các KCN Bắc Thăng Long, Sài Đồng (Long Biên), Nội Bài (Sóc Sơn), Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Thăng Long (Đông Anh)… lượng lao động đến ứng tuyển cao hơn thường ngày gấp 5 - 6 lần.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Đại diện công ty TNHH Mesxo Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử), cho biết do nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm tiến độ các đơn hàng và bù đắp những chỗ trống do công nhân nghỉ và chuyển việc sau Tết… nên nhu cầu tuyển dụng của công ty tăng cao.
“Năm 2016, công ty có kế hoạch tuyển dụng gần 1.000 công nhân chuyên sản xuất và gia công các thiết bị vi mạch dẻo và các thiết bị phần mềm. Mức lương phổ biến ở mức từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. NLĐ có nhu cầu chủ động liên hệ đăng ký tên, địa chỉ, số điện thoại… theo yêu cầu và công ty sẽ liên hệ để phỏng vấn”, đại diện Mesxo, cho hay.
Các công ty khác, như công ty linh kiện điện tử SAF Việt Nam, công ty TNHH Denco Việt Nam, công ty TNHH Panasonic Việt Nam , công ty Suncall Technology Việt Nam, các công ty tại KCN Sài Đồng, Nội Bài, Nam Thăng Long… cũng có nhu cầu lao động và số lượng NLĐ đến ứng tuyển tăng lên đáng kể.
Để thu hút NLĐ, các công ty đưa ra nhiều đãi ngộ và quyền lợi hấp dẫn. Ngoài nhận những khoản lương thưởng cố định theo thỏa thuận hợp đồng, công nhân còn được đóng 100% BHXH, BHYT, nhận các khoản trợ cấp, phúc lợi như đi du lịch, thăm quan, giao lưu…
Tại khu vực phía Nam, không khí tuyển dụng lao động cũng đang rất sôi động. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI), cho biết mức thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán 2016 ước tính bình quân từ 3 - 5%.
Do các thiếu hụt và di chuyển lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn Tp.HCM sau Tết Bính Thân 2016 tăng lên với số lượng khoảng gần 20.000 lao động. Trong đó, nhu cầu việc làm bán thời gian, lao động thời vụ chiếm gần 30%, phổ biến ở các ngành nghề công nghiệp - dân dụng, điện tử, cơ khí, may mặc…
Nhu cầu tuyển dụng của DN tăng cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn khiến cho hàng ngàn NLĐ và nhiều lao động “nhảy việc” với mong muốn có được công việc mới tốt hơn. DN chọn lọc, tìm kiếm lao động có hiệu quả, đào thải lao động kém hiệu quả, còn NLĐ “nhảy việc” tìm kiếm việc làm phù hợp, đãi ngộ tương xứng hơn là quy luật khách quan của thị trường.
![]() |
NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định “nhảy việc”
Cân nhắc khi “nhảy việc”
Để tránh tình trạng “tham vàng bỏ ngãi”, rơi vào những chiếc bẫy việc làm, từ bỏ những công ty đã gắn bó để sang một công ty có chế độ thấp hơn, không bảo đảm và mất đi các khoản trợ cấp thâm niên… NLĐ cần cân nhắc cẩn trọng và có kế hoạch chi tiết cho công việc của mình, trước khi quyết định “nhảy việc”.
Anh Hoàng Văn Phước (Hiệp Hòa, Bắc Giang), một lao động tự do tại khu “chợ người” Long Biên, chia sẻ: “Tôi làm công nhân tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) được gần 2 năm, lương thưởng ổn định khoảng 5,5 triệu/tháng. Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, đọc được tuyển dụng của một công ty dưới Hà Nội thấy lương thưởng cao hơn nên nộp hồ sơ và được tuyển dụng. Bỏ việc tại Yên Phong để xuống Hà Nội nhưng công việc không như mong muốn, quay về không được, giờ tôi ở nhờ nhà bạn và lang bạt ở đây tìm việc làm”.
Trước tình trạng nhiều NLĐ “nhảy việc” vì tham cái lợi trước mắt, các chuyên gia tư vấn việc làm khuyến cáo, NLĐ cần tìm hiểu kỹ khả năng tìm việc mới có tốt hơn công việc đang làm hay không, về thu nhập, điều kiện đãi ngộ, đặc biệt là cách tính lương thưởng tại công ty mới. Cần nghiên cứu kỹ hợp đồng, tránh tình trạng lương thưởng trên giấy tờ cao, nhưng thực tế sau các khoản chi phí lại thấp. Hoặc để được mức lương đó, NLĐ phải tăng ca nhiều giờ làm…
Ông Nguyễn Ngọc Khôi - Giám đốc Trung tâm tư vấn việc làm Nam Khôi (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng tăng cao, tuy nhiên sự cạnh tranh ứng tuyển cũng cao hơn. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo để có được lựa chọn sáng suốt nhất. Trước quyết định “nhảy việc”, NLĐ nên tham khảo nhiều nguồn tư vấn, cân nhắc kỹ lợi hại để tránh rủi ro”.
Hiến Nguyễn