Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết hiện cả nước có hơn 20.000 sản phẩm TPCN công bố chất lượng, trong đó khoảng 60% là sản xuất trong nước. Qua kiểm tra, thường phát hiện các vi phạm về chất lượng như: không có hoạt chất như công bố; hàm lượng hoạt chất không đúng như công bố; sản phẩm được quảng cáo như thần dược chữa bệnh; sản phẩm chứa tân dược…
Nhiều sai phạm về chất lượng
Phần lớn sản phẩm vi phạm là sản phẩm “nội địa”. Có những công ty không có nhà máy sản xuất, chỉ có văn phòng sơ sài, không đủ điều kiện về vệ sinh, liên tục thay đổi địa chỉ gây khó cho hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2014, Bộ đã tiến hành đồng loạt triển khai đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN trên phạm vi cả nước. Trong 4.514 cơ sở được thanh tra - kiểm tra, có 1.974 cơ sở vi phạm (chiếm 43,7%).
Các đoàn thanh - kiểm tra đã xử phạt hành chính 140 cơ sở. Trong đó, cảnh cáo 36 cơ sở, phạt tiền 104 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 1.056.566.000 đồng. Thu hồi 10 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, một giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đình chỉ hoạt động 16 cơ sở; đình chỉ lưu hành 105 sản phẩm do không đạt chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn không đúng quy định…; tiêu hủy 60 loại sản phẩm (tại 15 cơ sở); yêu cầu 70 cơ sở phải khắc phục về nhãn sản phẩm; số cơ sở có tài liệu quảng cáo sai phải đình chỉ lưu hành/thu hồi, tiêu hủy là 102 cơ sở với tổng số 150 loại tài liệu khác nhau.
Năm 2015, Cục ATTP đã tiếp tục kiểm tra đối với 126 cơ sở TPCN, đã xử lý 43 cơ sở, với số tiền phạt là 931.555.700 đồng; tạm dừng lưu thông hàng hóa 24 sản phẩm của 15 cơ sở, vì lý do sản phẩm có nhãn sai quy định, kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng; chuyển hồ sơ cơ quan điều tra, xác minh một trường hợp.
![]() |
QLTT Hà Nội đang kiểm tra một cửa hàng kinh doanh TPCN trên địa bàn
GMP “thanh lọc” cơ sở kém chất lượng
Có thể nói sai phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN rất nhiều, nhưng đáng chú ý là vấn đề chất lượng. Ông Phạm Thanh Kỳ - nguyên Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, cho biết qua tham gia một số đoàn kiểm tra về chất lượng dược liệu, ông phát hiện chất lượng dược liệu hiện không kiểm soát được.
Theo PGs.Ts. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, thị trường TPCN “loạn” như hiện nay chủ yếu là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Điều kiện đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam hiện rất dễ. Trong khi đó, nước ta lại chưa có quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN. Bởi vậy, đã xuất hiện TPCN có chứa cả chất cấm. Ngoài ra, tình trạng TPCN xách tay, nhập lậu tràn lan, không bảo đảm chất lượng, an toàn cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, sự chậm trễ trong áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng loạn chất lương như hiện nay.
Để hóa giải được vấn đề này, dự kiến vào tháng 6/2017, Bộ Y tế sẽ đưa ra lộ trình áp dụng quy định “GMP” đối với TPCN bảo đảm cho DN đủ thời gian chuẩn bị. Trong nước hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất TPCN với quy mô khác nhau. Ước có đến 50% cơ sở hiện tại với cả ngàn sản phẩm được sản xuất bởi cơ sở không đủ điều kiện về GMP. Khi áp dụng quy định mới, nếu số này không nâng cấp để đạt chuẩn, sẽ bị ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP. Theo lộ trình của ASEAN, đến năm 2021 mới bắt buộc áp dụng GMP đối với TPCN. Song, quan điểm của Bộ Y tế là áp dụng càng sớm càng tốt, vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Thu Hường