Mới đầu năm 2017, người dùng đã liên tiếp nhận được thông tin không hay về những tuyến cáp quang. Gần đây nhất, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) được phát hiện thêm điểm lỗi, khiến việc sửa chữa dự kiến đến đầu tháng 3 mới hoàn thành. Lịch trình này chậm hơn so với mốc 25/2 như dự kiến.
Một năm đứt 3 - 4 lần
Sau sự cố IA, APG - tuyến cáp quang biển nối từ Singapore, Malaysia qua Đà Nẵng (Việt Nam) tới Nhật Bản lại đến lượt tuyến cáp quang biển châu Á Thái Bình Dương (AAG) gặp sự cố.
Trong năm 2017, đây là lần thứ 2 tuyến cáp quang AAG gặp sự cố. Năm 2016, đã có 4 lần cáp AAG đứt và bảo trì, lần lượt vào các tháng 3, 6, 8 và đầu tháng 9/2016.
Cụ thể, theo thông tin từ đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway, vào ngày 18/2/2017, tuyến cáp quang AAG đã gặp sự cố đứt gãy. Theo đó, dự kiến vào 16 giờ ngày 27/3/2017, toàn bộ thông tin đi quốc tế qua tuyến cáp quang này sẽ được phục hồi. Tốc độ kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể, lúc cao điểm rất khó để truy cập các dịch vụ toàn cầu như Facebook, Gmail...
Sự cố xảy ra hôm 18/2 vừa qua là lần thứ hai trong năm 2017, khi tuyến cáp AAG gặp sự cố. Trước đó, sự cố xảy ra trên tuyến AAG vào ngày 8/1 cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập internet của Việt Nam.
Đặc biệt, sự cố này lại trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán. Vì vậy, người dùng trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài. Theo đánh giá, sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển AAG từ ngày 8/1 đã làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập internet của Việt Nam đi quốc tế.
Đặc biệt, sự cố này đang khiến người dùng cảm thấy bức xúc, bởi đây cũng là thời điểm cuối năm âm lịch, mọi công việc cần được xử lý trước khi nghỉ Tết đón năm mới.
![]() |
Sự cố đứt cáp quang khiến lợi nhuận của DN bị sụt giảm trông thấy
Chỉ một ngày sau khi tuyến cáp quang AAG nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố, tuyến cáp quang Liên Á (IA) cũng gặp vấn đề tương tự, tại vị trí gần Hồng Kông. Điều này càng khiến cho việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế càng trở nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Được biết, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuy nhiên, tính từ năm 2014 đến nay, tuyến cáp quang này đã 11 lần gặp sự cố, khiến việc truy cập internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn. Riêng năm 2017, tuyến cáp này đã 2 lần gặp sự cố.
Doanh nghiệp sụt giảm doanh thu
Không chỉ người dùng phàn nàn về bất cập khi tuyến cáp quang AAG thường xảy ra sự cố, mà nhiều DN cũng cho biết, sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu và uy tín của DN.
Mới đây, ông Phạm Thông - Giám đốc tiếp thị Lazada, cho biết trong sự cố cáp quang AAG bị đứt, 3 tuần qua, Lazada đã mất tới 30% doanh thu trung bình mỗi ngày.
“Tôi cho rằng rào cản lớn nhất để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam vẫn là nền tảng công nghệ. Mặc dù có lợi thế công nghệ được tiếp thu từ nước ngoài, có cơ hội làm việc với các đối tác lớn, nhưng đến khi về Việt Nam, Lazada đành phải bó tay với những tình cảnh theo kiểu “trên trời rơi xuống”, như sự cố đứt cáp quang”, ông Thông cho biết.
Theo ông Thông, thời gian tới cần phải cải thiện điều này. Bởi chỉ có việc xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc, ổn định, người dùng dễ tiếp cận, mới thúc đẩy TMĐT phát triển.
Không chỉ Lazada, nhiều công ty TMĐT và cá nhân kinh doanh online cũng “khóc dở, mếu dở” do lỗi kết nối internet trong thời gian qua.
Đối với sự cố đứt cáp quang gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của DN TMĐT, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), cho biết AAG chỉ là một trong các tuyến cáp quang mà Việt Nam sử dụng để kết nối với quốc tế. Do đó, khi xảy ra sự cố với tuyến cáp này, dung lượng truyền tải sẽ giảm, nhưng chỉ khiến dịch vụ TMĐT bị chậm hơn vào những giờ cao điểm. Đối với những giờ thấp điểm, ông Liên cho rằng các chất lượng dịch vụ TMĐT không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích và tránh rủi ro khi sử dụng các dịch vụ TMĐT tại những thời điểm xảy ra sự cố tương tự, Chủ tịch VIA cho biết người tiêu dùng nên mua bảo hiểm cho dịch vụ này.
“Nếu muốn nhà cung cấp bồi thường những thiệt hại gây ra do sự cố cáp quang, trong hợp đồng ký kết giữa hai bên phải nêu rõ trách nhiệm của nhà cung cấp nếu để xảy ra trường hợp này”, ông Liên đề xuất.
Trên thực tế, vấn đề này cũng bị người dùng phàn nàn rất nhiều, khi mỗi lần đứt cáp quang, điệp khúc “đứt người dùng chịu, còn tiền nhà mạng vẫn thu đủ”, hay “cứ thông báo đứt cáp quang là xong, còn thiệt hại của DN ai chịu” lại được đề cập.
Không chỉ AAG, APG - tuyến cáp quang được kỳ vọng giảm tải và thay thế cho AAG, vừa đi vào hoạt động đã gặp sự cố vào ngày 7/1/2017, khiến lưu lượng qua tuyến cáp này thời điểm đó chỉ còn 15 - 20% so với lúc chưa đứt. Mặc dù APG được kỳ vọng sẽ giúp internet đi quốc tế của Việt Nam bớt phụ thuộc vào AAG, vốn không ổn định và thường xuyên gặp sự cố trong 2 năm qua.
Thy Lê