Mới đây, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng để buýt nhanh hấp dẫn với người dùng, trước hết cần quan tâm phát triển điều kiện hạ tầng kết nối với BRT và sau này là đường sắt trên cao cũng vậy.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT, chuyên gia Nguyễn Ngọc Quang phân tích, sản lượng tối đa theo thiết kế hiện tại là 1.000 - 1.300 hành khách/bến x 23 bến = 23.000 - 30.000 hành khách/ngày.
Hiệu quả bằng 1/10 so với thế giới
Hiện nay, sản lượng bình quân chuyến là 40 hành khách/chuyến, đạt 50% năng lực vận chuyển theo thiết kế hiện nay. So với thế giới, chỉ đạt khoảng bằng 1/10 (900 hành khách/giờ so với 10.000 - 20.000 hành khách/giờ).
Theo lý thuyết BRT, xe buýt nhanh có làn ưu tiên và có đèn tín hiệu ưu tiên nên không phải dừng tại các ngã tư; chỉ dừng tại các điểm dừng BRT, thời gian trung bình 10 giây. Như vậy, vận tốc khai thác trung bình có thể đạt 35km/h, thời gian khai thác một chiều có thể đạt 24 phút/chiều.
Kết quả khảo sát thực tế ngày, BRT Hà Nội có thể chạy nhanh nhất vào dịp Tết Âm lịch là 35 phút/chiều, tương ứng vận tốc trung bình là sấp xỉ 25km/h; ngày thường mất khoảng 45 - 55 phút/chiều, tương ứng với vận tốc 18 - 22km/h.
Như vậy, về lý thuyết, ông Quang cho rằng tuyến Hanoi BRT đã bị “lãng phí” mất khoảng 20 - 25 phút khai thác quý báu, chiếm 50% thời gian hành trình do việc không có làn dành riêng và không có đèn tín hiệu ưu tiên. “Chỉ cần có đèn tín hiệu ưu tiên thì năng lực khai thác đã có thể tăng gấp 2 lần”, ông Quang đề xuất.
Trong khi đó, khu vực đầu tuyến, từ Yên Nghĩa đến Vạn Phúc, những người sử dụng xe máy mất khoảng 20 - 25 phút để đi làm, thì những người sử dụng BTR phải mất khoảng hơn 40 phút.
Khu vực từ Vạn Phúc đến bến Kim Mã, trong khi những người sử dụng xe máy chỉ mất dưới 20 phút để đi làm thì những người sử dụng BRT phải mất khoảng 30 phút; khu vực quanh khu ĐTM Văn Phú đến bến xe Yên Nghĩa có thời gian đi làm trung bình cao nhất, khoảng hơn 40 phút.
![]() |
Cần có giải pháp để thu hút thêm khách hàng cho xe buýt nhanh
Xe buýt thường đi chung làn BRT?
Trước đó, theo số liệu báo cáo 3 tháng vận hành BRT, mức bình quân chỉ đạt 42,4% hành khách/lượt, trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách. Như vậy, chỉ sau 4 tháng triển khai, buýt nhanh đã không thể hơn buýt thường, chỉ phát huy chưa đến 50% hiệu quả dù tổng dự án đầu tư hơn 1.000 tỷ cho 14,7km và có đường riêng.
Liên quan tới câu chuyện buýt thường và buýt nhanh, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND Tp.Hà Nội cho xe buýt thường đi vào làn đường dành riêng của BRT. Lý giải điều này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị Hà Nội, cho biết theo thiết kế ban đầu, xe buýt nhanh chạy tối đa đạt tần suất 3 phút/lượt, nhưng hiện nay mới đạt từ 5 - 10 phút/lượt.
“Điều này cho thấy, vẫn còn khoảng thời gian phù hợp để cho xe buýt thường chạy chen vào làn đường BRT. Với việc để buýt thường hoạt động cùng BRT sẽ tăng mật độ làn đường dành riêng, vừa giảm áp lực giao thông cho phần đường còn lại, cũng là không để phương tiện khác lấn làn BTR”, ông Hải nói.
Đồng thời, trước việc sản lượng buýt nhanh hiện nay bình quân mới chỉ đạt trên 40% công suất (trung bình hơn 40 hành khách/lượt), ông Hải cho rằng, với một tuyến xe buýt mới hoạt động từ đầu năm đến nay, sản lượng đạt được như vậy là không tồi. Tuy nhiên, vẫn phải có những điều chỉnh để tuyến buýt nhanh hấp dẫn hành khách hơn nữa.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Quang kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó nhất thiết phải thiết lập hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT và bảo đảm làn dành riêng cho BRT. Có thể cho phép các xe buýt khác/xe khách lớn đi chung làn BRT. Tăng cường các tuyến buýt kết nối với BRT cho các bến trên đường Lê Văn Lương để bảo đảm thuận tiện hơn cho người dân đi và đến các địa điểm khác trong thành phố.
Đặc biệt, theo ông Quang, vấn đề then chốt có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng khai thác của BRT01 là cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận (đi bộ, xe đạp, tuctuc, minibus) chưa được quan tâm đầu tư thích đáng.
Việc kết nối giữa BRT và các tuyến buýt chưa bảo đảm thuận tiện cho người dân đi và đến các khu vực khác của thành phố.
Thy Lê