Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index tăng 16,56 điểm (+1,28%) lên 1.307,91 điểm. Như vây, sau một tháng lao dốc, chỉ số chung dễ dàng phá cản để chính thức “đòi” lại ngưỡng trên 1.300 điểm.
Bứt phá sau một tháng lao dốc
Tương tự, HNX-Index cũng bứt phá 6,78 điểm (2,23%) lên mức 310,93 điểm. UPCoM-Index ghi nhận mức tăng 1,31 điểm (1,4%) đạt đúng 95 điểm.
Chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực. |
Trong phiên, một số cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá đã kéo chỉ số đi lên nhanh chóng. Đáng chú ý, GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su) và STB (Sacombank) bật tăng hết biên độ, trở thành các mã có đóng góp quan trọng cho thị trường. Đóng cửa, rổ VN30 tăng 17,66 điểm (1,33%) với 21/30 mã kết phiên trong sắc xanh.
Cùng với đó, không thể phủ nhận sự đóng góp khá lớn của các nhóm ngành như chứng khoán (+3,33%), Xây dựng & Vật liệu xây dựng (+2,45%), Ngân hàng (+1,75%), Bán lẻ (+1,66%), Tiêu dùng (1,66%), Dầu khí (+1,28%), Bất động sản (+1,21%).
Trong đó, nhóm ngân hàng có một phiên bứt phá ấn tượng khi đồng thuận tăng và đóng góp một loạt mã làm động lực cho thị trường đi lên như VPB của VPBank (+4,43%), MBB của MB (+3,71%), TCB của Techcombank (+2,9%), BID của BIDV (+2,08%), STB (+6,93%), ACB của Á Châu (+3%), SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (+6,96%), CTG của VietinBank (+1%).
Độ rộng thị trường hoàn toàn nghiêng về bên mua với sắc xanh áp đảo. Toàn sàn có 786 mã tăng giá, 216 mã giảm giá và 130 mã đứng tại tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch ổn định với chiều hướng tích cực, mua vào lượng cổ phần trị giá 1.489 tỷ và bán ra 1.219 tỷ trên sàn HoSE, tương đương mua ròng 270 tỷ đồng.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc vượt 1.300 điểm trong bối cảnh Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề liên quan chứng khoán, bất động sản, thuế chuyển nhượng bất động sản… Nhiều vấn đề đã được giải đáp, trong đó có việc sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống KRX, kiểm soát các giao dịch nội gián để ổn định TTCK.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin tích cực cũng phần nào tác động đến TTCK như: không có chuyện "siết" tín dụng bất động sản mà vẫn tích cực ưu tiên cho dự án tốt, chủ đầu tư uy tín, tài chính mạnh…; dòng vốn ngoại tích cực duy trì ở mức cao khi đổ vốn vào châu Á cũng như Việt Nam...
Đi lên trong sự nghi ngờ
Theo quan sát, TTCK bước sang tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp kể từ khi xuống đáy dưới ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, sau phiên bắt đáy (7/6) đẩy thanh khoản lên cao (~ 1 tỷ USD), thị trường tiếp tục có lợi thế lớn nhờ áp lực bán vẫn cạn. Song, cũng tương tự như phiên VN-Index lấy lại mốc “siêu cứng” 1.200 điểm trong tháng 5 vừa qua, thị trường không xuất hiện hiện tượng tranh mua đột biến. Không chỉ vậy, thanh khoản cũng lại sụt giảm đáng kể.
Trong phiên 8/6, tổng giá trị khớp lệnh 3 sàn giảm 7% so với phiên trước đó, còn 18.565 tỷ đồng; riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 5% xuống 15.678 tỷ đồng.
“Thị trường đang đi lên trong sự nghi ngờ, bởi thanh khoản vẫn chưa có nhiều đột phá”, một chuyên gia nhận định.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn tích cực và ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm sẽ sớm bị vượt qua. Do đó, việc VN-Index tăng vượt ngưỡng này vốn được nhà đầu tư chờ đợi như là điều “bùng nổ” tất yếu sẽ xảy ra. Vì vậy, thanh khoản chưa đột biến là một tín hiệu không được tích cực cho lắm.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn chưa trải đều mà hầu hết chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn. Điều này cho thấy rất có thể chỉ là sự tác động từ các cổ phiếu trụ lớn hơn nhóm đang kéo chỉ số hiện tại.
Cụ thể, trong nhóm 10 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất các sàn vẫn tập trung ở blue-chip VN30 như HPG (Hoà Phát), POW (Điện lực Dầu khí), VPB (VPBank), STB, SSI (Chứng khoán SSI), MWG (Thế giới Di động), FPT (CTCP FPT)... Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chỉ ghi nhận PVD (Dịch vụ khoan dầu khí) và DPM (Phân bón và hoá chất dầu khí) thanh khoản có chút đột phá.
Tuy nhiên, động lực tăng của các chỉ số vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các “siêu trụ”. Chẳng hạn, VCB lại giảm 0,86%, HPG giảm 0,75%. Trong khi đó, VIC (Vingroup) tăng nhẹ 0,51%, VHM (Vinhomes) tăng 0,15%, GAS (PV Gas) tăng 0,38%...
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 476.455 tài khoản chứng khoán, gấp đôi so với tháng 4 trước và là con số kỷ lục trong lịch sử khi ghi nhận lượng tài khoản mở mới cao hơn 200.000 tài khoản so với đỉnh cũ lập được vào tháng 3/2022.
Mặc dù con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán, chưa kể những tài khoản ở trạng thái "passive" (không có giao dịch), song việc thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm đáng kể, bất chấp lượng tài khoản mở mới đạt kỷ lục cũng là điều đáng lưu ý.
Giới phân tích nhận định, áp lực bán vẫn trong xu hướng tăng lên khi mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều ẩn số, trong đó có lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực.
Một số chuyên gia đồng quan điểm, hiện tại là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu. Bởi đa số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt đang nằm ở mức thấp nhất 2-3 năm và nhiều cổ phiếu đang được giao dịch ở mức chỉ bằng 50%-60% giá lúc VN-Index gần 1.500 điểm.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng xử lý hàng loạt lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp niêm yết vi phạm thao túng chứng khoán, thổi giá cổ phiếu... đã giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
“Trong thời gian tới, VN-Index sẽ tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết nhưng là để giúp TTCK ổn định và lành mạnh hơn. Theo kịch bản tích cực, VN-Index có thể tăng lên 1.610 điểm”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định.
Hải Giang