![]() |
Chốt phiên sáng 24/10 VNM giao dịch tại mức giá 148.300 đồng/cp
Trong đó có hai lệnh với khối lượng rất lớn là 8,4 triệu cổ phiếu (1.281,2 tỷ đồng) và 9,27 triệu cổ phiếu (1.409 tỷ đồng), cả hai lệnh này đều được giao dịch ở mức giá 152.000 đồng/CP, cùng mức giá này còn có một lệnh 190.934 đơn vị, trị giá hơn 29 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giao dịch thỏa thuận trên phần lớn là do khối ngoại thực hiện chuyển nhượng nội khối cho nhau. Khối ngoại đã mua vào 18,35 triệu cổ phiếu VNM và bán ra 18,44 triệu cổ phiếu VNM. Tổng cộng đến thời điểm này, khối ngoại đã bán ròng 83.570 cổ phiếu VNM.
VNM đang có ba nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu, trong đó, F&N Dairy Investments PTE.LTD là cổ đông lớn thứ hai của VNM (sau SCIC) khi nắm giữ hơn 232,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 16,04%; F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd là cổ đông lớn thứ ba và nắm giữ 39,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,7%; Arisaig Asean Fund Limited là cổ đông lớn thứ tư với 23,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,64%.
Hiện cả bên mua và bên bán vẫn chưa được tiết lộ, nhưng trước đó, sau nhiều lần liên tiếp đăng ký mua hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM nhưng đều thất bại, F&N Dairy đã đăng ký mua vào gần 21,77 triệu cổ phiếu VNM. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 2/10 đến 31/10/2017 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Hiện F&N Dairy đang sở hữu 232,74 triệu cổ phiếu VNM tương ứng 16,04% vốn điều lệ công ty. Nếu giao dịch thành công F&N Dairy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 17,54%.
Mới đây, tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VNM do SCIC sở hữu sáng ngày 18/10, đại diện SCIC cho biết trong đợt bán vốn VNM lần 2 này, số lượng cổ phần chào bán là 48.333.400 cổ phần, tương ứng 3,33% vốn. Giá khởi điểm sẽ được công bố tại ngày 1/11/2017, giá đặt mua phải không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu VNM tại ngày 10/11/2017.
Sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh nhẹ, VNM đã hồi phục với mức tăng 0,2%, chốt phiên sáng 24/10 tại mức giá 148.300 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 460.870 đơn vị.
L.L