Phiên 6/7, cổ phiếu VND khớp lệnh lên đến gần 106 triệu đơn vị - mức cao nhất toàn sàn. Trong đó có đến hơn 90 triệu đơn vị được khớp lệnh chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ ở nửa đầu phiên chiều.
Phiên 6/7, vốn hóa thị trường của VNDirect chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int) |
Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu VND còn giảm sàn về mức 17.950 đồng/cp. Mặc dù đà giảm sau đó được thu hẹp đôi chút, nhưng đóng cửa, VND vẫn giảm sâu 6,5% giá trị.
Đáng chú ý, do áp lực bán mạnh nhưng tiền đổ vào “bắt đáy” cũng khá lớn khiến cho thanh khoản cổ phiếu này được đẩy lên mức kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 106 triệu đơn vị, lượng cổ phiếu được giao dịch trong phiên tương đương gần 9% tổng số cổ phần công ty. Đồng thời, VND cũng lọt danh sách những cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong một phiên cao kỷ lục của sàn chứng khoán Việt Nam. Giá trị giao dịch xấp xỉ 2.000 tỷ cũng là con số rất cao, tương ứng 12% thanh khoản HoSE.
Đà giảm mạnh của cổ phiếu VND có lẽ đến từ thông tin liên quan đến CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, thành viên thuộc Trung nam Group. Đơn vị này vừa công bố dời ngày thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu TRECB2223001 từ ngày 30/6 sang 4/8/2023.
Lô trái phiếu TRECB2223001 được phát hành vào ngày 30/6/2022 với kỳ hạn một năm, khối lượng phát hành là 15 triệu trái phiếu với giá phát hành 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên là CTCP Chứng khoán VNDirect.
Ngoài lô trái phiếu TRECB2223001, doanh nghiệp này còn phát hành thêm một lô trái phiếu tổng giá trị 500 tỷ đồng, được phát hành ngày 14/10/2022 và đáo hạn 29/8/2024.
Theo CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, lý do chậm thanh toán lãi là các nhà máy điện thuộc thuộc sở hữu của công ty đi vào vận hành thương mại (COD) cuối năm 2021 và vẫn đang trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước, tốc độ gió thực tế trong năm 2022 thấp hơn mức trung bình dự kiến, khiến doanh thu các dự án điện gió không đạt theo kế hoạch.
Ngoài ra, những tin đồn chưa được kiểm chứng liên quan đến nhân sự của Trung nam Group cũng có thể đã góp thêm phần khiến cổ phiếu VND bị bán tháo ồ ạt và dứt khoát chỉ trong khoảng thời gian ngắn đến vậy.
Về kết quả kinh doanh, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Chứng khoán VNDirect đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm trước. Kết thúc quý I/2023, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty chứng khoán này báo lãi sau thuế 140 tỷ đồng, thấp hơn 82% so với cùng kỳ, chỉ mới thực hiện gần 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, năm 2023, công ty chứng khoán này đã thông qua 4 phương án chào bán và phát hành tăng vốn điều lệ “khủng”, gồm chào bán gần 244 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phát hành hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP; phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nếu thực hiện thành công các đợt chào bán và phát hành trên, vốn điều lệ của VNDIRECT sẽ tăng gấp rưỡi từ gần 12.200 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố top 10 thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu quý II và bán niên 2023. Trong đó, Chứng khoán VNDirect đứng ở vị trí thứ 3 với thị phần 7,27%, giảm 0,47% thị phần so với quý trước đó.
Châu Anh