CTCP Cảng Quy Nhơn là đơn vị cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước đã chịu thanh tra toàn diện của Thanh tra Chính phủ do những thông tin có khuất tất trong cổ phần hóa.
Cảng Quy Nhơn trước đây là thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Doanh nghiệp này cổ phần hóa năm 2013 và là đơn vị khai thác cảng Quy Nhơn – một cảng biển được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, trọng điểm khu vực miền Trung.
Màn thôn tính ngoạn mục
Sau khi cổ phần hóa với Vinalines là đơn vị nắm trên 75% cổ phần vốn điều lệ, chỉ trong các năm 2013 – 2015, Cảng Quy Nhơn đã do CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (công ty Hợp Thành) làm chủ – một công ty tư nhân có khá nhiều quan hệ với các doanh nghiệp ngành dầu khí và Bộ GTVT.
Tính đến thời điểm cuối năm 2015, công ty Hợp Thành nắm khoảng 86,23% trong tổng số 404 tỷ đồng vốn điều lệ của CTCP Cảng Quy Nhơn. Đáng chú ý, Vinalines đã ba lần bán vốn tại Cảng Quy Nhơn, và cả ba lần đều bán cho Công ty Hợp Thành.
Cụ thể, tại phương án cổ phần hóa, công ty Hợp Thành được Vinalines chọn làm “nhà đầu tư chiến lược” của Cảng Quy Nhơn, và được mua 4,04 triệu cổ phần – tương đương 10% vốn điều lệ cảng này, với giá thoả thuận.
Khi CPH vào tháng 9/2013, Cảng Quy Nhơn cũng chỉ đấu giá 4,04 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ. Số cổ phần này đã bán hết với mức giá bình quân 12.792 đồng/cổ phần.
Tháng 6/2015, Vinalines – cổ đông lớn nhất tại cảng Quy Nhơn – tiếp tục chuyển nhượng 10,5 triệu cổ phiếu, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu tại Cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành. Trước đó, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành quyết định với tiêu chí, Cảng Quy Nhơn nằm trong diện nhà nước – mà đại diện là Vinalines – phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Cảng có hệ thống 20.960 m2 kho, 12.000 m2 bãi, 48.000 m2 bãi chứa container, trên 306.568 m2 mặt bằng các loại dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất. Được biết, trong quá trình CPH, đã có một số doanh nghiệp muốn mua toàn bộ cổ phần tại Cảng Quy Nhơn với giá khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng không được chấp thuận.
Chỉ ba tháng sau, tháng 9/2015, Vinalines lại bán tiếp phần vốn còn lại tại Cảng Quy Nhơn – tương đương 19,8 triệu cổ phiếu (49% tỷ lệ nắm giữ) cho công ty Hợp Thành.
Sau ba lần mua vốn của Cảng Quy Nhơn, đến cuối năm 2015, Hợp Thành đã nâng được tỷ lệ nắm giữ của doanh nghiệp này lên tới 86,23% vốn.
Các quy định về doanh nghiệp hiện hành quy định rằng nghị quyết của công ty được coi là hợp pháp, có giá trị thi hành khi được nhóm cổ đông đại diện cho trên 51% vốn điều lệ thông qua. Trong một số trường hợp, tỷ lệ thông qua này cũng chỉ cần 75% là đủ.
Như vậy, từ khi được chọn là nhà đầu tư chiến lược của Cảng Quy Nhơn, chỉ mất hai năm, công ty Hợp Thành đã thôn tính xong cảng trọng điểm này, mà hoàn toàn không cần qua đấu giá cổ phần, hay thu gom cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tỷ lệ nắm giữ của Hợp Thành đã khiến cho việc mua lại 10% cổ phần Cảng Quy Nhơn của những nhà đầu tư tự do, hay tỷ lệ nắm giữ chưa tới 5% của người lao động thành vô nghĩa.
Đồng thời, làm chệch hướng mục tiêu cổ phần hoá cảng Quy Nhơn từ đổi mới hoạt động doanh nghiệp, đa dạng hoá sở hữu, sang thành sở hữu tư nhân, với việc một công ty tư nhân nắm tới 86,23% vốn điều lệ.
![]() |
Vinalines đã tư nhân hóa Cảng Quy Nhơn trước niêm yết
Bí ẩn công ty mẹ
Ngày 27/12/2016, CTCP Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ 40,4 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán là QNP tại Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HoSE). Hiện, số cổ phiếu này đã được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). QNP đang giao dịch trên thị trường OTC.
Đáng chú ý, ngày 3/11/2016 – một ngày trước thời điểm chốt danh sách cổ đông hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã bán ra hơn 3,3 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống còn 31,53 triệu cổ phần, tương đương 78,03% vốn. Toàn bộ số cổ phần này đã được chuyển cho bà Trần Thị Quỳnh Yên.
Hiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty CP Cảng Quy Nhơn là ông Lê Hồng Thái. Ông Thái trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Cảng Quy Nhơn từ cuối năm 2015.
Trước đó, ông Thái cũng từng là Chủ tịch HĐQT của công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, hay Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC-IMICO) năm 2008, Ủy viên HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ tháng 10/2010 đến tháng 7/2011.
Tại công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, ông Lê Hồng Thái giữ 45% vốn điều lệ. Bà Yên là Tổng Giám đốc – người đại diện pháp luật của công ty Hợp Thành – đồng thời cũng là Thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn. Bà Trần Thị Quỳnh Yên cũng là người đại diện pháp luật của CTCP Dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới – đơn vị sở hữu 65% cổ phần của CTCP Việt Xuân Mới.
Mặc dù mới ra đời năm 2014 nhưng CTCP Việt Xuân Mới đã được chọn là đối tác mua 51% cổ phần của Vinalines tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu 10% cổ phần của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, là thành viên trong liên danh ba nhà đầu tư dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên…
Thùy Linh