Bà Tạ Thanh Bình- Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Bà Bình cho biết, UBCKNN ưu tiên các giải pháp về xây dựng kịch bản chủ động tổ chức giao dịch toàn thị trường kể cả trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng và giám sát giao dịch trực tuyến.
Theo đó, UBCKNN sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động trên thị trường, vừa kiểm soát các giao dịch bất thường, vừa theo dõi sát sao các thông tin nội gián, tin đồn thất thiệt, đảm bảo thị trường vận hành trật tự, minh bạch. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình chính trị, kinh tế và chứng khoán trong, ngoài nước, để kịp thời thông tin đến nhà đầu tư.
Song song với đó, tổ chức truyền thông nhằm đưa thông tin đầy đủ, khách quan nhất đến nhà đầu tư. Đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư bình tĩnh phân tích mọi yếu tố để có quyết định đầu tư phù hợp, xem xét kỹ lưỡng hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn và đầu tư dài hạn những cổ phiếu có giá trị, có tiềm năng tăng trưởng, tránh tâm lý phản ứng thái quá.
Phân tích về nguyên nhân giảm điểm trong những ngày qua, bà Tạ Thanh Bình cho rằng, đó là do kết hợp của nhiều yếu tố như nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh, thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh và đặc biệt là tâm lý hoảng loạn ngắn hạn về dịch bệnh.
“Qua quan sát, chúng tôi thấy hầu hết lực bán đến từ các tài khoản nhà đầu tư mới; trong khi các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ mua vào trong phiên ngày 28/01. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong phiên cuối tuần (29/1), riêng trên HoSE, khối này đã mua ròng khoảng 1.100 tỷ đồng”, bà Bình thông tin.
Trước mắt, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có thể còn tiếp tục tăng nhanh cho đến khi có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, thị trường trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã và đang là điểm sáng trên thế giới trong việc thực hiện tốt mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào suy thoái và khủng hoảng.
M.K