Trước đó, bà Thúy được chú ý nhiều hơn sau khi thâu tóm CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) - một doanh nghiệp niêm yết nhưng thường xuyên thua lỗ thời gian gần đây).
Trước khi bị tạm giam, vợ ca sĩ Khánh Phương từng gây xôn xao với vụ thâu tóm Sông Đà 1.01 và giá cổ phiếu biến động thất thường. (Ảnh: Int) |
Tuy nhiên, trong quá trình, các thông tin liên quan đến bà Vũ Thị Thúy tại Sông Đà 1.01 được doanh nghiệp này công bố một cách chậm trễ, không tuân thủ quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn, bà Thúy đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sông Đà 1.01 từ ngày 21/3 thay ông Tạ Văn Trung nhưng phải đến 24/8, công ty này mới công bố thông tin (công bố chậm 5 tháng).
Cũng trong ngày 24/8, Sông Đà 1.01 công bố thông tin bà Thúy trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty, tuy nhiên, sự kiện này đã diễn ra từ ngày 31/12/2022, tức công ty này công bố thông tin trễ gần 9 tháng.
Chiến lược thâu tóm Sông Đà 1.01 của vợ chồng bà Vũ Thị Thúy bắt đầu từ việc ca sĩ Khánh Phương mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu SJC tương đương 45,51% vốn điều lệ công ty này vào ngày 28/10/2022.
Chưa tới 1 tháng sau đó, bà Thúy mua lại hơn 1,63 triệu cổ phiếu SJC từ ông Phương, chiếm tỷ lệ 23,12% vốn điều lệ. Từ vị trí cổ đông lớn, vợ chồng bà Thúy bước vào ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó bà Thúy làm Chủ tịch.
Tuy nhiên, sau khi làm Chủ tịch công ty thì đến ngày 31/3, bà Vũ Thị Thúy đã bán hết 1,63 triệu cổ phiếu SJC để giảm tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ tại SJC từ 23,5% về còn 0%, không còn là cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01.
Chiều ngược lại, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (công ty của bà Thúy) đã mua vào 706.000 cổ phiếu SJC để nâng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ từ 0,09% lên 10,18% và Công ty cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang (doanh nghiệp liên quan tới ông Phạm Khánh Phương) cũng có thông báo mua vào 881.600 cổ phiếu SJC, qua đó nắm giữ đến 14,69% cổ phần Sông Đà 1.01.
Đến nay, các doanh nghiệp nói trên liên quan đến bà Thúy và ông Phương đều rút cổ phần khỏi Sông Đà 1.01. Thậm chí mới đây, ông Khánh Phương cũng đăng ký bán toàn bộ 908.576 cổ phiếu SJC (tương ứng 13,1%) từ 7-31/8. Giao dịch thành công, ông Phương có thể thu về gần 10 tỷ đồng và không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01.
Đáng chú ý, thời điểm vợ chồng ca sĩ Khánh Phương lần lượt “chen chân” vào Sông Đà 1.01, giá cổ phiếu liên tục biến động “lạ”. Hai tháng rưỡi sau sự xuất hiện của nam ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm”, cổ phiếu SJC tăng mạnh lên mức 18.600 đồng/cp- giá lịch sử của công ty kể từ năm 2014.
Từ đỉnh tháng 1/2023, cổ phiếu SJC rơi mạnh về mức 4.500 đồng (đầu tháng 4). Mức giá này được ấn định sau khi bà Vũ Thị Thúy (người được cho là đã mua vào hơn 1,63 triệu cổ phiếu từ ông Phạm Khánh Phương) bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ (cắt lỗ).
Chưa dừng lại, cuộc chơi ở Sông Đà 1.01 tiếp tục xuất hiện khi cổ phiếu SJC hồi mạnh trong 8 tuần gần nhất (thực chất chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần); sắc tím phiên sáng 26/5 đã kéo thị giá hồi trở lại mốc 12.100 đồng. Sau khi lên mức giá 15.700 đồng/cp (phiên 23/6), cổ phiếu này bắt đầu đi lùi và liên tục đi ngang tại mức 11.800 đồng/cp trong 7 phiên gần nhất. Dù vậy đây vẫn là vùng giá cao trong hơn 1 năm trở lại đây của cổ phiếu này.
Trước diễn biến của cổ phiếu SJC, thị trường không khỏi đặt ra hoài nghi về sự góp mặt trên sàn – một cổ phiếu doanh nghiệp 5 năm liên tiếp không họp ĐHCĐ thường niên; 8 năm không chia cổ tức (tương tự một số doanh nghiệp nhóm Sông Đà); kinh doanh bết bát với 94% tài sản được xây từ nợ.
Điều đáng nói, dù trong diện hạn chế giao dịch song đã tăng gần 1.000% từ tháng 7/2022. Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu SJC chỉ là "cuộc chơi" của những “tay to”, bởi các giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không đáng kể.
Từ năm 2017 tới nay, phần lớn các giao dịch đáng chú ý tại SJC đều tập trung ở hoạt động mua bán của lãnh đạo và người có liên quan tại Sông Đà 1.01.
Ngoài vợ chồng ca sĩ Khánh Phương, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Trung (bao gồm con, em, vợ, em dâu) cũng từng ghi nhận các giao dịch lớn trong năm 2022.
Gần nhất, Giám đốc Sông Đà 1.01 - Lê Hà Phương vừa đăng ký mua 1,6 triệu cổ phiếu SJC từ ngày 26/5 - 23/6 nhằm tăng lượng sở hữu lên mức 1,7 triệu đơn vị.
Châu Anh