Tối 20/4, ông Đỗ Thành Nhân và 3 bị can khác đã bị Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội “thao túng thị trường chứng khoán”.
“Thâu tóm" nhiều doanh nghiệp niêm yết
Theo cáo buộc, từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, bị can Nhân đã thông đồng với Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Trí Việt) và những người khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch để mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch CTCP Louis Holdings cùng 3 bị can khác bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán. (Ảnh minh họa) |
Trước khi bị bắt tạm giam, ông Đỗ Thành Nhân được biết đến là doanh nhân khởi nghiệp từ nền tảng buôn và xuất khẩu lúa gạo và là lãnh đạo chủ chốt trong hệ sinh thái Louis Holdings - doanh nghiệp thành lập năm 2012 với tên gọi ban đầu là Sản xuất Xuất nhập khẩu Núi Xanh Long An. Với số vốn điều lệ khoảng 650 tỷ đồng, công ty này từng là đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất tỉnh An Giang. Sau đó, doanh nghiệp đổi sang nhiều tên gọi khác như Louis Rice hay Louis Agro và hiện nay là Louis Holdings có trụ sở đặt tại TP.HCM.
Giai đoạn 2016-2020, Louis Holdings nhanh chóng mở rộng hoạt động khi liên tục nâng quy mô, đầu tư mới và thâu tóm các nhà máy gạo khác.
Đáng chú ý, năm 2021, Louis Holdings bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong giới tài chính, từ việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đến rầm rộ tiến hành mua bán hàng loạt công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chỉ trong một năm, Louis Holdings đã trở thành cổ đông lớn với cấu trúc sở hữu phức tạp tại 5 đơn vị gồm Louis Capital, Louis Land (BII), Dược Lâm Đồng (Ladophar, mã LDP), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM) và Sametel (SMT).
Gần đây, doanh nghiệp cũng có kế hoạch hợp tác và đầu tư trực tiếp tại Thuduc House (TDH) nhưng sau đó lại rút lui; hay như mua lượng lớn cổ phần Địa ốc Hoàng Quân (HQC) và đề xuất đưa người vào HĐQT.
Theo định hướng, tập đoàn này sẽ hình thành một hệ sinh thái trên 7 lĩnh vực cốt lõi: nông nghiệp, đầu tư, M&A, chứng khoán, điện tử viễn thông, bất động sản và dược phẩm; đồng thời có ý định sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Nghi án thao túng giá cổ phiếu
Dễ dàng nhận thấy, sau khi về tay Louis Holdings, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái này bất ngờ làm ăn có lãi trở lại. Đáng chú ý là thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng một cách “bất thường”.
Cụ thể, năm 2021, Louis Capital ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỷ đồng, gấp 78 lần năm 2020; lãi ròng hơn 99,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 43 tỷ đồng). Tính tới 31/12/2021, danh mục đầu tư của Louis Capital đang nắm giữ cổ phiếu LDP của Ladophar với giá trị ghi sổ hơn 46 tỷ đồng.
Về Ladophar, đây cũng là doanh nghiệp mới nhất tham gia hệ sinh thái Louis Hodings. Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Ladophar cũng cho thấy lợi nhuận cao bất thường sau khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông Louis tại doanh nghiệp này.
Trước đó, Ladophar đã có 6 quý thua lỗ liên tiếp (kể từ quý II/2020 đến quý III/2021). Tuy nhiên, vào quý IV/2021, sau khi có sự tham gia điều hành của các nhân sự chủ chốt từ Louis Holdings, Ladophar bất ngờ báo lãi ròng hơn 55 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất kể từ khi Ladophar thành lập đến nay. Nhờ đó, Ladophar xóa lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm và ghi nhận lãi ròng 39 tỷ đồng lãi ròng năm 2021, trong khi năm trước lỗ 26 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (SMT), CTCP Louis Land cũng đều có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 sau khi gia nhập hệ sinh thái Loius.
Cùng với lợi nhuận tăng vọt, trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp trên đã từng gây “bão” trên sàn, được các nhà đầu tư gọi bằng cái tên mỹ miều “món quà thượng đế”.
Cụ thể, tháng 9/2021, thị giá nhóm cổ phiếu này liên tục tăng cao, thậm chí liên tiếp nhiều phiên tăng trần. Trong đó, cổ phiếu TGG trở thành tâm điểm khi được kéo tăng trần hàng chục phiên, ngay sau khi được Louis Holdings thâu tóm và đổi tên từ Công ty Đầu tư và xây dựng Trường Giang thành Louis Captial.
Thời điểm đó, cổ phiếu TGG đã lập đỉnh 74.800 đồng/cp, tăng 6.000% so với thị giá 1.200 đồng/cp hồi đầu năm, trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn chứng khoán. Đến tháng 11/2021 thì ông Nhân có đơn từ nhiệm, rút vốn và rời khỏi Hội đồng quản trị Louis Captial vì lý do cá nhân.
Đứng thứ 2 trong top tăng giá của “họ Louis” là BII. Cổ phiếu BII đã tăng gần 650%, từ 3.600 đồng/cp lên 29.200 đồng/cp. Các cổ phiếu khác gồm DDV (Dap – Vinachem) tăng 311%, SMT tăng 225%, AGM và APG (Chứng khoán APG) tăng gần 200% từ đầu năm.
Tuy nhiên, ngay sau thời điểm đó, sức tăng nóng của cổ phiếu “họ Louis” bỗng hạ nhiệt khi các cổ phiếu này đang trên “đỉnh” đã đảo chiều tạo mô hình "cây thông", thậm chí "nhốt sàn” 5-6 phiên liên tiếp, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng khi mỗi ngày có 20 - 30 triệu cổ phiếu dư bán sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản. Hàng loạt nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” bắt đầu cảm nhận tài khoản bốc hơi chóng mặt, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều “chứng sĩ”.
Trong đó, BII có mức biến động giảm sâu nhất (-40%). Các mã còn lại như TGG, APG, AGM, SMT, TDH (Thu Duc House), DDV, VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh) có mức giảm từ 15 - 30%.
Trước sự lên xuống “chóng mặt” của nhóm cổ phiếu này, giới đầu tư cho rằng các cổ phiếu “họ Louis” đang bị Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân “làm giá”. Bởi chính ông Nhân thường xuyên có những chia sẻ về các cổ phiếu trong “họ Louis” trên Facebook cá nhân và trong group Louis Family và sau mỗi “status” của vị chủ tịch này, những cổ phiếu nói trên đều có sự tăng giảm tương ứng với nội dung trên Facebook hoặc trong nhóm Louis Family.
Ngày 16/9/2021, Louis Capital đã gửi công văn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trần tình doanh nghiệp này không thực hiện bất cứ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu hoặc thao túng thị trường chứng khoán. Cùng ngày, khi nêu quan điểm về cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, ông Đỗ Thành Nhân nói: "Vàng thật không sợ lửa".
Từng bị xử phạt nhiều lần
Ngoài những phi vụ thâu tóm trên và bị đặt nhiều dấu hỏi về việc “làm giá” cổ phiếu, các công ty liên quan trong “nhóm Louis” của ông Đỗ Thành Nhân còn nhiều lần bị UBCKNN ra quyết định xử phạt hành chính đối với các sai phạm liên quan. Điển hình như: phạt Louis Holdings hơn 161,2 triệu đồng do giao dịch vượt quá giá trị đăng ký và áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng; Louis Capital bị phạt 232,5 triệu đồng với nhiều lỗi như vi phạm công bố thông tin, không đảm bảo cơ cấu và số thành viên Hội đồng quản trị độc lập, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định;…
Liên quan đến vấn đề xử phạt, theo một diễn biến khác, cuối tháng 1/2022, công ty chứng khoán Trí Việt do ông Đỗ Đức Nam (người thông đồng với ông Nhân trong vụ việc "thao túng thị trường chứng khoán") làm Tổng giám đốc, bị UBCKNN ra quyết định phạt tổng cộng 310 triệu đồng vì vi phạm nhiều lỗi. Trong đó, công ty này bị phạt 250 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng nhưng không báo cáo và không được UBCKNN chấp thuận.
Số tiền bị phạt còn lại vì công ty bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ chứng khoán. Ngoài ra, Chứng khoán Trí Việt còn bị nhận hình phạt bổ sung là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán trong 2 tháng.
Được biết, trước khi cơ quan chức năng công bố bắt tạm giam, ông Đỗ Thành Nhân đã thông báo từ nhiệm vị trí chủ tịch tại 3 công ty với lý do cá nhân.Cụ thể, từ ngày 19/4, ông Nhân không còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Louis Holdings, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang và CTCP Dược Lâm Đồng.
Theo đó, tại Louis Holdings, ông Vũ Ngọc Long - Thành viên HĐQT sẽ thay ông Nhân. Ông Trịnh Văn Bảo sẽ làm Chủ tịch HĐQT Xuất Nhập khẩu An Giang và ông Phạm Trung Kiên sẽ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Ladophar.
Trước đó, thị trường chứng khoán đã từng rúng động khi thông tin ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch CTCP FLC bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán. Như vậy, với sự việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt lần này cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đang mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm.
“Quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế. Đây là hành động cần thiết để thị trường Việt Nam bước lên những nấc thang mới, và về dài hạn, đây là các hành động rất tích cực”, ông Tsuyoshi Imai, Tổng Giám đốc công ty chứng khoán Nhật Bản đánh giá.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các bên đảm bảo vừa ủng hộ, cũng vừa giám sát kiểm tra tránh vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Nhưng những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán phát triển bền vững". |
Hải Giang