Trong bài phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK).
"Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột. Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. |
Thủ tướng bày tỏ: "Chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ. Qua 25 năm, thị trường có nhiều thăng trầm, đột phá và đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc, nên không thể không có những khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong".
Theo Thủ tướng, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và các chủ thể liên quan.
Nói về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TTCK Việt Nam, Thủ tướng khẳng định: TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế. TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng điểm lại một số dấu mốc quan trọng: Năm 1996, thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; năm 1998, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh; năm 2005, thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán vào các năm 2006, 2010, 2019.
Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định quy định liên quan đến chứng khoán và TTCK. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg của TTgCP ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu "Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển".
Thủ tướng cho rằng thị trường cần tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột: "Phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện, bao trùm, lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp".
Châu Anh