Ảnh hưởng từ quyết định sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein của Tổng thống Mỹ Donald, lo ngại về khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và châu Á đã đồng loạt giảm điểm trong ngày 13/3.
Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch ngày 14/3 trong sắc xanh, Vn-Index nhanh chóng tăng 10 điểm, vượt qua mốc 1.140 điểm với sự dẫn dắt của dòng ngân hàng, nhưng sau đó đã chịu áp lực chốt lời nên hạ nhiệt, chỉ số giằng co quanh ngưỡng 1.138 điểm khi sự phân hóa diễn ra trong nhóm bluechip.
Cổ phiếu ngân hàng là lực kéo
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index vẫn tăng 4,78 điểm, lên 1.138 điểm; HNX –Index tăng 0,59% lên 130,43 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là đầu kéo thị trường.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng , VIB là gương mặt ấn tượng khi tăng 9,6% lên 42.400 đồng/ cổ phiếu. Đà tăng của cổ phiếu này được cho là đến từ thông tin VIB dự kiến chi trả 5% cổ tức bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.
Một cái tên đáng chú ý khác là cổ phiếu HDB của HDBank, sau 5 phiên lình xình quanh ngưỡng 42.500 đồng/ cổ phiếu, HDB đã bứt phá tăng 4,02%, lên 44.000 đồng với gần 6 triệu đơn vị được khớp lệnh, dù bị khối ngoại bán ròng gần 2,3 triệu cổ phiếu.
VCB giữ được đà tăng mạnh 2,5%, lên 73.800 đồng/ cổ phiếu, với hơn 4 triệu đơn vị được khớp lệnh. Cùng chung sắc xanh, VPB tăng 0,47%, lên 64.500 đồng/ cổ phiếu và lọt vào danh sách 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, MBB tăng nhẹ 0,29%, lên 34.800 đồng/ cổ phiếu với 8,14 triệu đơn vị được khớp.
Kết thúc phiên giao dịch, SHB đã không giữ được mức giá cao nhất ngày, tăng 2,36% lên 13.000 đồng/ cổ phiếu, với 34,44 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. ACB quay về mốc tham chiếu 49.200 đồng/ cổ phiếu với 2,97 triệu cổ phiếu được khớp lệnh; LPB dù tăng nhẹ 0,63%, lên 16.000 đồng/ cổ phiếu, nhưng có thanh khoản tốt với 2,95 triệu đơn vị
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu “hot” nhất trong thời gian qua là STB và CTG đồng loạt quay đầu giảm giá. CTG sau phiên tăng 6,7% ngày 13/3 đã điều chỉnh giảm nhẹ 0,42% xuống 35.550 đồng/ cổ phiếu , với lượng khớp lệnh 8,6 triệu đơn vị. STB giảm 0,31% xuống còn 16.050 đồng/ cổ phiếu, dẫn đầu sàn HoSE về thanh khoản với 16,44 triệu đơn vị được khớp lệnh, mặc dù khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, BID cũng quay đầu giảm 0,51%, xuống 39.000 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 14/3, VPB và MBB xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận tại giá trần.
Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong khoảng 30 phút cuối phiên ngày 13/3 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá và chỉ số Vn – Index đã vượt qua kháng cự “cứng” 1.130 điểm.
Ngay khi Vn-Index chính thức vượt ngưỡng 1.130 điểm, các công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư vào cuộc tham gia thị trường. Sau 11 tuần giằng co quanh mốc 1.130 điểm, thị trường đang dần có sự ổn định.
Sau khi vượt ngưỡng cản “khó chịu” 1.130 điểm trong phiên ngày 13/3, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng, bất chấp các ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường toàn cầu
Nhà đầu tư hưng phấn
Theo BVSC, tại mốc 1.130 điểm thị trường sẽ mở ra một cơ hội giúp đường giá tiến đến thử thách vùng đỉnh lịch sử 1.170 – 1.180 điểm.
BVSC cũng nhận định, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là động lực chính giúp chỉ số chinh phục các mốc điểm cao mới trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng vượt đỉnh thì hiện tượng giảm giá có thể xảy ra, thị trường vẫn có thể xuất hiện những nhịp điều chỉnh đan xen trong quá trình đi lên.
Ngoài ra, một yếu tố khác hỗ trợ thị trường trong thời điểm hiện tại là mùa ĐHCĐ đã bắt đầu, những thông tin liên quan đến tỷ lệ cổ tức năm 2017, hay kế hoạch kinh doanh năm 2018 sẽ được nhà đầu tư chờ đón.
Thị trường trông cậy vào thông tin tích cực từ các doanh nghiệp được công bố tại ĐHCĐ, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan, thúc đẩy thị trường bứt phá.
Sự quay trở lại của khối ngoại cũng là một yếu tố hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn, chỉ trong hai phiên gần đây, khối ngoại đã trở lại mua ròng với tổng giá trị đạt 850 tỷ đồng. Nếu lực mua ròng tiếp tục được duy trì sẽ là động lực thúc đẩy thị trường vượt những mốc quan trọng.
Hơn nữa, theo lịch sử phát triển, thông thường tháng 3 và tháng 4 hàng năm sẽ là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm và đây cũng là yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý cho nhà đầu tư trên thị trường.
Theo nhận định của CTCK Phú Hưng, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc của thị trường để tái cơ cấu lại danh mục vào các cổ phiếu có tính dẫn dắt và có kế hoạch kinh doanh khả quan trong năm 2018.
Linh Đan