Các nhà đầu tư F0 "ồ ạt" đi mở tài khoản chứng khoán trong những ngày đầu năm 2021. |
Tính đến phiên giao dịch ngày 14/1, Vn-Index đóng cửa ở mức 1.187 điểm, nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 3/2020 thì đến nay Vn-Index đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 83%. Đà tăng trưởng này được dự báo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi dòng tiền từ các nhà đầu tư F0 vẫn “ồ ạt” chảy vào thị trường.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 mở mới đã tăng đột biến. Lũy kế trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới mới 393.000 tài khoản, tăng gấp đôi so với năm trước.
Ghi nhận tại các công ty chứng khoán trong những ngày đầu tháng 1/2021 cho thấy, lượng nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán khá đông, số tài khoản mở mới mỗi ngày tại các công ty chứng khoán top đầu lên tới hàng trăm tài khoản.
Sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền đã giúp thị trường liên tục duy trì mức thanh khoản cao trên 15.000 tỷ đồng/phiên cho thấy sự tham gia tích cực của dòng tiền. Đây là mức thanh khoản “đáng mơ ước” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng hơn 1 năm trước đây và chứng tỏ thị trường đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu thị trường duy trì được sự ổn định của dòng tiền thì đây có thể tạo ra giai đoạn lịch sử của chứng khoán Việt Nam.
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đã đưa ra cái nhìn thận trọng cho rằng, dù nhiều người nhận định, chứng khoán tăng có nghĩa là nền kinh tế đang tăng trưởng tốt nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng thực chất.
Cũng theo ông Thịnh, riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đã ghi nhận mức tăng tương đối tốt, điều này cũng phản ánh sức khoẻ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường năm 2021 sẽ khó tránh được những đợt điều chỉnh, bởi vậy nhà đầu tư phải có sự phân tích dòng tiền để lựa chọn cổ phiếu tốt ở thời điểm phù hợp.
“Hiện tại sẽ chưa có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng về lâu dài nếu như lại bùng phát bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản như khoảng hơn chục năm trở về trước thì sẽ rất nguy hiểm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.
Đồng quan điểm, trong một diễn đàn về chứng khoán mới đây, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào – giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh) cho rằng chất xúc tác cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua là chính sách tiền tệ và tài khoá thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều khả năng năm nay chính sách sẽ thận trọng hơn bởi cơ quan điều hành có thể nhìn nhận lãi suất quá thấp đã kích thích các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản. Chính sách nới lỏng hiện tại cũng chưa cho thấy sự bao trùm toàn bộ nền kinh tế mà chỉ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và người yếu thế vẫn chật vật.
"Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán vì thế không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế", ông Hào nói.
Tương tự, TS Đinh Thế Hiển-Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng kinh tế và tin học phân tích cho biết, hiện dòng tiền “đổ” vào chứng khoán chủ yếu theo tâm lý “đám đông”, dựa theo việc tăng mạnh của chứng khoán nên đầu tư theo để kiếm lợi nhuận.
Nhưng chứng khoán cũng là kênh đầu tư bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường thế giới và dòng vốn ngoại. Dù được khuyến nghị tham gia nhưng thực tế chứng khoán vẫn chưa phải là kênh đầu tư bền vững.
Thực tế, việc đối mặt với những thời điểm “nóng” của thị trường thì càng cần nhà đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn trong quyết định đầu tư của mình.
Việc đầu tư vào những cổ phiếu có xu hướng tăng giá đi đôi với sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh cốt lõi luôn là sự lựa chọn đúng đắn. Trong khi đó, trên thực tiễn, tại những giai đoạn “nóng” vẫn có các cổ phiếu tăng giá theo phong trào và không đi kèm với sự cải thiện của các yếu tố cơ bản về kết quả kinh doanh. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro cho các nhà đầu tư nếu họ không tỉnh táo để có sự sàng lọc kỹ càng trước khi đầu tư.
L.L