Nguyên nhân là do công ty chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Cùng với các "anh em họ FLC", cổ phiếu GAB tiếp tục bị liệt vào danh sách những cổ phiếu bị cắt margin. (Ảnh: Int) |
Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được, do các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác, vì lý do liên quan đến vụ việc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán.
Được biết, GAB là một trong 6 mã cổ phiếu được cơ quan điều tra xác định có liên quan đến vụ việc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố và bắt tạm giam do hành vi thao túng thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3 vừa qua.
Theo cơ quan điều tra, thời gian cổ phiếu GAB bị thao túng là từ ngày 19/12/2019 đến ngày 27/11/2020. Đặc biệt, trong vòng 2 tháng kể từ ngày 19/12/2019, cổ phiếu GAB liên tục tăng kịch trần, thị giá đã tăng 10 lần từ mức 10.000 đồng/cp, lên tới gần 100.000 đồng/cp.
Sau vụ việc liên quan đến Trịnh Văn Quyết, giao dịch của cổ phiếu GAB rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, dậm chân tại chỗ ở mốc 196.400 đồng/cp trong suốt 5 tháng nay.
Như vậy, với việc GAB không được giao dịch ký quỹ, đã có 4/7 cổ phiếu “họ FLC” nằm trong danh sách này.
Mới đây, HoSE thông báo sẽ đưa cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) và HAI (Công ty cổ phần Nông dược HAI) vào diện bị đình chỉ giao dịch, do chưa họp đại hội cổ đông thương niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2022. Hiện, cổ phiếu FLC đang giao dịch ở mức 4.820 đồng/cp và HAI đứng ở mức 2.180 đồng/cp.
Trước đó, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 12/8 do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Trên một diễn biến khác, Tập đoàn FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế xấp xỉ 131 tỷ đồng, do nợ thuế quá hạn 90 ngày so với quy định.
C.Giang