Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3, STB và SHB đều tăng trần, song cổ phiếu của Bầu Hiển tạm thời nhường “ngôi vua” thanh khoản cho STB. Dòng tiền như thác đổ vào STB khiến cổ phiếu này tăng trần 7% lên 20.500 đồng/cp, thanh khoản gần 100 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.050 tỷ đồng.
Đây là mức thanh khoản kỷ lục trong lịch sử các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức thanh khoản này cũng chính thức xô đổ kỷ lục mà SHB thiết lập trong phiên giao dịch ngày 26/3 là 80 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng 3,7 triệu cổ phiếu STB trong phiên 30/3, tương ứng 750 tỷ đồng. Vốn hoá của STB sau phiên hôm nay cũng đạt 34.630 tỷ đồng. Sacombank là một trong những ngân hàng đại chúng nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết với 86.000 cổ đông.
Được biết, đà tăng của cổ phiếu STB xuất phát từ tin đồn về chuyển nhượng một số lô cổ phiếu lớn liên quan đến các cổ đông nội bộ của nhà băng này.
Đầu năm nay, phía Kienlongbank cho biết, năm 2020 do phát sinh dịch Covid-19, Kienlongbank chưa thể hoàn thành việc bán lô cổ phiếu STB để giảm nợ xấu. Tính đến 31/12/2020, Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ nợ xấu.
Theo Tổng giám đốc Trần Tuấn Anh, Kienlongbank đã đẩy mạnh bán STB trong tháng 1/2021 để giảm nợ xấu của nhà băng này xuống dưới 3%.
Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB nói trên và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.
Như vậy, chỉ còn phiên ngày mai (31/3) để Kienlongbank hoàn tất bán nốt lô cổ phiếu STB thu hồi tiền về.
Kienlongbank đã nhiều lần từng chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB với giá mong muốn 24.000 đồng/cp để thu hồi nợ, vì đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một số cá nhân tại Kienlongbank nhưng đã quá hạn. Việc bán lô cổ phiếu khá khó khăn khi thị trường không thuận lợi. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank trong năm 2020.
Tiền ầm ầm đổ vào cổ phiếu ngân hàng trong những phiên gần đây với những phiên giao dịch đột biến và tăng kịch trần của SHB, SSB, STB và một số nhà băng khác như VIB, LPB. Trong khi đó, một số ngân hàng có các chỉ số tốt như CTG, VCB, ACB, TCB,… lại có mức tăng khiêm tốn.
Bạch Huệ