Lâu nay, thanh khoản luôn là yếu tố quan trọng nhất của thị trường hàng ngày, thậm chí còn quan trọng hơn việc chỉ số tăng hay giảm. Sức sống của một thị trường chứng khoán là khả năng luân chuyển vốn, vì vậy khi biến số này đạt ngưỡng 30.000 tỷ thì đã tạo nên sức hấp dẫn của thị trường chung trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, trong cơn say của thanh khoản rất lớn, thị trường đột ngột biến động theo chiều hướng giảm kể từ giữa tháng 6 tới nay. Giá trị khớp lệnh toàn sàn đã giảm xuống dưới mốc 20.000 tỷ, thậm chí có phiên còn giảm sốc xuống còn gần 16.600 tỷ đồng, thể hiện sự hãm phanh quá đột ngột.
Bất bình thường...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sụt giảm thanh khoản như vậy là điều không bình thường khi trong giai đoạn này, thị trường không có diễn biến nào xấu, thậm chí xu hướng tăng còn mở rộng sau khi Vn-Index vượt đỉnh lịch sử thành công hôm 18/6.
Việc suy giảm thanh khoản trong thời gian qua không bị xem là yếu tố bất lợi. |
Cụ thể, tại tuần giao dịch 31/5-4/6, thanh khoản trên HoSE đạt bình quân 26.796 tỷ đồng/phiên. Sang tuần tiếp sau đó, từ ngày 7-11/6, thanh khoản tăng nhẹ lên 26.841 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, tới tuần giao dịch 14-18/6, thanh khoản trên HoSE sụt giảm xuống mức 23.889 tỷ đồng/phiên. Đến tuần giao dịch 21-25/6, dù thị trường vẫn tăng trưởng, Vn-Index lập đỉnh mới tại ngưỡng 1.390 điểm nhưng thanh khoản vẫn phát đi một tín hiệu xấu khi chỉ ghi nhận mức trung bình 20.757 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 13% so với tuần trước.
Tại tuần giao dịch này, thanh khoản trên HNX còn tiêu cực hơn khi tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 2.969 tỷ đồng, thấp hơn tới 31% so với tuần trước.
Đà sụt giảm đó đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá bối rối, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là tăng nóng. Có ý kiến còn tỏ ra lo ngại về một thời kỳ "bong bóng tài sản".
Trong một báo cáo mới đây, FiinGroup cho rằng thị trường cũng cho thấy nhiều yếu tố rủi ro cần theo dõi. Theo đó, nhóm ngân hàng đóng góp tới 43% cơ cấu lợi nhuận năm 2021 toàn thị trường; trong khi tăng trưởng lợi nhuận của khối phi ngân hàng có độ chắc chắn cao hơn trong bối cảnh hiện nay.
Do đó, việc theo dõi kết quả kinh doanh quý II và các thay đổi chính sách liên quan có ảnh hưởng như lãi suất huy động, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, khả năng tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ là yếu tố mà nhà đầu tư cần chú ý.
Hơn nữa, mặc dù lợi nhuận sau thuế được dự báo là tăng trưởng với tốc độ cao trong năm 2021 và cả dự báo năm 2022, song yếu tố rủi ro pha loãng cũng khá lớn. Tức là trong thời gian tới, số lượng cổ phiếu mới phát hành sẽ tăng lên, trong khi nguồn vốn huy động trong năm nay của doanh nghiệp sẽ góp phần đem lại lợi nhuận trong các năm tiếp theo. Vì vậy, các chỉ số về định giá và lãi cơ bản trên cổ phiếu sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn.
... Nhưng không là yếu tố bất lợi
Lý giải sự “hãm phanh” đột ngột của thanh khoản trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, đó có thể là quá trình tích lũy trong trạng thái thanh khoản thấp do nhu cầu mua bán giảm; sự e ngại với các mã thanh khoản cao nhưng giá đã tăng quá mạnh. Nhà đầu tư cũng có thể ưu tiên quản trị rủi ro, bảo toàn thành quả và chờ một nhịp điều chỉnh hoặc cơ hội rõ nét hơn.
Ngoài ra, cũng có quan điểm về hiện tượng co rút dòng tiền mang tính thời điểm. Báo cáo tài chính quý II sẽ chốt sổ cuối tháng 6, nên các công ty chứng khoán có xu hướng giảm cho vay. Đồng thời, có thể chính các công ty niêm yết sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán cũng rút về để tránh bị ghi nhận trên báo cáo tài chính.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, thanh khoản trong ngắn hạn là thể hiện sự kỳ vọng của dòng tiền đầu cơ hơn là dòng tiền đầu tư. Vì vậy khi nó sụt giảm đã cho thấy những kỳ vọng ngắn hạn đối với thị trường của giới đầu cơ đã suy giảm ít nhiều.
Dù thanh khoản thị trường đã “tụt áp” nhiều ngày qua, nhưng để đánh giá là có đáng lo ngại hay không cần xét thanh khoản chi tiết của từng nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong sóng trước đây, như ngân hàng, thép, chứng khoán… Nếu nhóm này sụt giảm thì đây là vấn đề lo ngại trong ngắn hạn.
Thực tế, nhìn vào diễn biến thời gian qua, dù không phải tất cả các cổ phiếu đều giảm thanh khoản, nhưng các nhóm dẫn dắt dòng tiền rõ nhất là ngân hàng và thép đều không còn hấp dẫn nữa, là tín hiệu bất lợi.
Tuy nhiên, rõ ràng là không có sự dịch chuyển nào đáng kể từ những nhóm ngành này, bởi lẽ hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày ở các mã cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán nếu di chuyển thì sẽ để lại “dấu vết”.
Trong khi đó, mức tăng thanh khoản ở các nhóm cổ phiếu khác không rõ ràng và cũng không bền vững. Nếu cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn dòng tiền khổng lồ đó thì ảnh hưởng sẽ rất lớn, nhưng diễn biến thực tế lại đang phản hồi về kết quả khá yên bình.
Nhìn chung, việc suy giảm thanh khoản trong thời gian qua không bị xem là yếu tố bất lợi. Trái lại, quan điểm tích cực nhìn nhận thị trường ít biến động mà thanh khoản thấp là điều hợp lý. Kết quả kinh doanh quý II được công bố sắp tới và hệ thống giao dịch mới là yếu tố khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu.
Minh Khuê