Số tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm 2021 lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại. |
Trong số 140.193 tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 6 có tới 140.054 tài khoản từ các nhà đầu tư cá nhân và 139 tài khoản từ các tổ chức.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, vượt 58% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020). Thậm chí, số tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm 2021 còn lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại.
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc lãi suất huy động đang ở mức thấp; kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81. Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới và người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 30.000 tỷ đồng trên HoSE, gần gấp đôi lượng bán ròng trong cả năm trước.
Đây cũng là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử, chỉ số Vn-Index thành công trong việc vượt mốc 1.400 điểm, trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi kể từ đầu năm cho đến cuối tháng 5. Chỉ số Vn - Index đã tăng 15,8% và trở thành chỉ số có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu, mức tăng trưởng này ở thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu là 11%, thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ đạt 3,2%, thậm chí chứng khoán khu vực Đông Nam Á giảm 2,9%.
Vn- Index tăng 14,9% trong năm 2020, nhưng chỉ từ đầu năm 2021 đến ngày 30/6/2021, chỉ số này đạt 1.408,55 điểm, tăng gần 26% và tăng mạnh gần 113% so với thời điểm cuối tháng 3/2020 (thời điểm vùng đáy của thị trường).
Bên cạnh đà tăng của điểm số, thanh khoản thị trường cũng liên tục lập kỷ lục và những phiên giao dịch 25.000 tỷ đồng, thậm chí là trên 30.000 tỷ đồng không còn là điều bất ngờ đối với nhà đầu tư.
Thanh khoản đã tăng từ mức 16.725 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên mức 25.037 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 5, nhờ lượng tài khoản mở mới liên tục duy trì bình quân trên 100.000 tài khoản/tháng trong 3 tháng liên tiếp.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục tăng rất mạnh với giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản gia tăng, số lượng lệnh giao dịch cũng tăng cao dẫn đến tình trạng liên tiếp nghẽn lệnh tại HoSE do hệ thống công nghệ thông tin không đáp ứng được. Thậm chí, HOSE đã phải đóng cửa giao dịch trong phiên chiều ngày 1/6, để đảm bảo an toàn hệ thống.
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết: "Hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều rất đáng tiếc, nhất là trong thời điểm thị trường đang phát triển rất mạnh. Gần 1/4 thế kỷ tham gia gây dựng thị trường, cơ quan quản lý chỉ mong muốn được như ngày hôm nay. Thị trường phát triển về quy mô, giao dịch, huy động vốn… nhưng sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta rất phiền toái ở trong niềm vui chung đó".
Trước tình trạng nghẽn lệnh kéo dài trên sàn HOSE, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp xử lý nghẽn lệnh, như nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu, chuyển bớt cổ phiếu giao dịch trên HoSE sang HNX, hợp tác với FPT để xử lý nghẽn lệnh…
Ngày 5/7 vừa qua, hệ thống giao dịch mới do FPT thực hiện đã chính thức được áp dụng, kỳ vọng sẽ xử lý hoàn toàn được tình trạng nghẽn lệnh trong suốt 7 tháng qua. Theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống mới đi vào hoạt động dù vẫn còn lỗi bảng có thể do một vài công ty chứng khoán chưa tương thích, nhưng sẽ rất nhanh chóng được sửa chữa, giao dịch sẽ trơn tru trở lại.
M.Khuê