Cụ thể, ngày 05/08, Cục thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Tập đoàn Đạt Phương với số tiền hơn 23 triệu đồng do khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Công ty này cũng phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu gần 117 triệu đồng và khoản tiền chậm nộp 16,5 triệu đồng, tổng cộng số tiền bị xử lý thuế gần 157 triệu đồng. Thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày 05/08.
Đây không phải lần đầu tiên, Tập đoàn Đạt Phương bị xử phạt về thuế. Công ty này đã nhiều lần vi phạm tương tự, như vào đầu năm 2023 bị xử lý thuế gần 235 triệu đồng và đầu năm 2022 bị xử lý thuế gần 94 triệu đồng.
Dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Đạt Phương vẫn tiếp tục âm, và doanh nghiệp còn bị xử phạt về thuế. |
Về kết quả kinh doanh, quý II/2024, doanh nghiệp báo cáo doanh thu thuần đạt 960 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao nên biên lợi nhuận gộp trong kỳ đã bị thu hẹp, giảm từ 15,7% còn 13,5%.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đạt 72,3 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn Đạt Phương đạt 1.386 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Đáng chú ý, mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực nhưng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Đạt Phương đang âm tới 562 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 260 tỷ đồng. Tính chung, dòng tiền thuần trong kỳ của tập đoàn này đang âm 249 tỷ đồng.
Trước đó, kết thúc quý I/2024, dòng tiền thuần của Tập đoàn Đạt Phương cũng ở mức âm gần 176 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền kinh doanh âm hơn 497 tỷ đồng, cho thấy lợi nhuận của tập đoàn chỉ có ý nghĩa về mặt sổ sách, chưa tạo ra dòng tiền thực sự.
Tại thời điểm 30/6/2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận tổng tài sản ở mức gần 6.146 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm khoảng 1.258 tỷ đồng, tương đương 20,5% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 931 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản; và khoản tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 885 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng tài sản.
Trên thị trường, từ khoảng giữa tháng 7, cổ phiếu DPG có xu hướng điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, từ đầu tháng 8, cổ phiếu ghi nhận đà trồi sụt bất thường khi giảm sàn rồi lại “xanh” trở lại xen kẽ. Hiện, cổ phiếu DPG đang giao dịch quanh mức 46.000 đồng/cp.
Châu Anh