Dù đã liên tiếp thăng hoa trong một khoảng thời gian dài nhưng tính đến thời điểm hiện tại, sức nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, sức mạnh của dòng tiền F0 ngày càng được nâng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, một số nơi bị giãn cách, người dân ở nhà không có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường càng nóng bao nhiêu thì tình trạng tắc nghẽn, quá tải trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) cũng tỷ lệ thuận bấy nhiêu và có dấu hiệu trầm trọng hơn trong những phiên giao dịch vừa qua của tháng 6. Nhiều nhà đầu tư bức xúc, nghi ngờ năng lực quản lý của HoSE, thậm chí đề nghị lãnh đạo từ chức...
Quyết định thanh tra muộn
Trước những phản ứng dữ dội của các nhà đầu tư, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại HoSE. Trong thông tin phát đi, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân thanh tra là do tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE nhưng chưa có biện pháp để xử lý dứt điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ Tài chính thanh tra HoSE vào lúc này là quá chậm. Bởi, từ cuối năm 2020, các nhà đầu tư đã tỏ ra bức xúc trước tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE xảy ra liên tục trong khi cách giải quyết vấn đề của HoSE lại khá loanh quanh và không đạt hiệu quả cao, như: nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao dịch tạm thời sang HNX…
![]() |
HoSE gặp sự cố đã nhiều tháng nhưng các nhà đầu tư chưa hề nhận được một lời xin lỗi từ lãnh đạo sàn. |
Chỉ đến tháng 4/2021, nhờ một số giải pháp kỹ thuật từ FPT, ngưỡng chịu tải của HoSE mới được nâng lên và hệ thống giao dịch tương đối mượt mà. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường bất ngờ tăng mạnh lên hàng tỷ USD mỗi phiên, tình hình lại trở nên xấu trở lại.
Đặc biệt, trong phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HoSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay, khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE phải công bố ngừng giao dịch phiên chiều.
Những phiên sau đó, tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi bảng giao dịch "treo cứng" trong thời gian dài khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt" khi giao dịch, nhiều người ví việc đầu tư chứng khoán như đánh bạc. Để "giải cứu" sàn HoSE, các công ty chứng khoán còn không cho khách hàng sửa/hủy lệnh giao dịch, khiến gia tăng rủi ro đầu tư.
Điều này đã tạo ra một làn sóng phản ứng tiêu cực rộng lớn trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường lao dốc. Bức xúc vì bị thiệt hại do sàn giao dịch tắc nghẽn trong thời gian dài, ngày 9/6, nhiều nhà đầu tư đồng loạt đánh giá "1 sao" cho HoSE trên Google. Lãnh đạo sàn bị tố bao biện, trốn tránh trách nhiệm.
“Đề nghị ông Lê Hải Trà chịu trách nhiệm, kiểm điểm lại bản thân, từ chức vì sự quản lý yếu kém, bảo thủ và lỗi thời. Mỗi giao dịch đều thu phí thì không thể có chất lượng kém như vậy được”, một người nhà đầu tư bức xúc viết.
Nỗi niềm nhà đầu tư
Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định thanh tra của Bộ Tài chính và kỳ vọng sẽ sớm có giải pháp hiệu quả để khắc phục câu chuyện "đơ, nghẽn".
Còn về phía "thành tố" gây nên sự bức xúc chính là sàn HoSE thì các nhà đầu tư lại tỏ ra khá thất vọng khi chưa một lần nhận được lời xin lỗi, mặc nhiên phải "sống chung với lũ".
Kể từ khi sàn gặp sự cố đến nay, tất cả những gì mà nhà đầu tư nhận được chỉ là những thông báo, sự bao biện và những chính sách không hợp tình hợp lý. Sự bức xúc ngày càng tăng cao khi không thể giao dịch theo ý muốn và phải chịu sự thiệt hại kéo theo niềm tin ngày càng cạn kiệt.
Nhiều ý kiến còn nêu vấn đề, "nếu HoSE ở nước ngoài thì người đứng đầu thậm chí phải từ chức, phạt tiền, còn ở nước ta...?".
Có thể kể đến trường hợp Sở Giao dịch New York (NYSE) bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt 14 triệu USD vì lỗi giao dịch trong suốt 3,5 giờ vào năm 2018.
Hay như trường hợp Chủ tịch Sở Giao dịch Tokyo (TSE) đã phải từ chức hồi tháng 11/2020 để nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự cố ngừng giao dịch trong tháng 10. Một vài quan chức khác của Sở này phải xin giảm lương 50% trong nhiều tháng để nhận trách nhiệm, dù không bị buộc từ chức.
Sự cố tại TSE đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nhà đầu tư khi xảy ra vào đúng ngày đầu tiên của quý, đồng thời là ngày đầu của nửa sau năm tài chính ở Nhật Bản. Thanh khoản giao dịch trong ngày này thường rất cao do các quỹ điều chỉnh danh mục định kỳ.
Thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố khác với các nước, nhưng cũng không thể tránh khỏi lý lẽ bên cung cấp dịch vụ phải bồi thường tổn thất nhất định cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng.
Do đó, trong trường hợp HoSE nghẽn lệnh kéo dài, cách hành xử hợp lý là phải xác định rõ trách nhiệm của Sở, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công ty chứng khoán với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cho hay, muốn nghe lời xin lỗi chính thức vì thiệt hại nhưng có vẻ không ai thấy có lỗi, hay nhận trách nhiệm?
"Đôi khi lời xin lỗi còn có giá trị hơn gấp nhiều lần một quyết định thanh tra, như một "cơn mưa giữa những ngày khô hạn", nhưng đối với các lãnh đạo sàn HoSE thì có vẻ như điều này là quá xa xỉ", nhà đầu tư Hương Ly (Hà Nội) bày tỏ.
Minh Khuê