Số lượng tài khoản tăng thêm chủ yếu đến từ cá nhân, trong khi tổ chức chỉ có thêm 131 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,4 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 8, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8,6% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 330.000 tài khoản trong tháng 8/2024. |
Mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán tiếp tục tăng mạnh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước các biến số từ thế giới. Giao dịch trên thị trường tiếp tục ảm đạm, thanh khoản tháng 8 giảm 30% so với giai đoạn tháng 3-4 dù VN-Index đang ở cùng một vùng điểm số. Theo SGI Capital, chứng khoán Việt Nam chưa từng có giai đoạn nào duy trì đà tăng khi thanh khoản tụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, điểm tích cực là khối ngoại đã có phần hạ nhiệt đà bán ròng. Sau giai đoạn xả hàng ồ ạt tháng 5-6, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE đã giảm mạnh thời gian gần đây nhưng chưa có dấu hiệu đảo chiều. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 66.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD) trên HoSE, mức kỷ lục trong suốt hơn 24 năm hoạt động.
Khối ngoại liên tục bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoại tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Cụ thể, số lượng tài khoản của khối ngoại đã tăng 255 tài khoản trong tháng 8, cao hơn so với con số 217 của tháng trước. Cá nhân tăng 262 tài khoản, trong khi tổ chức bất ngờ giảm 7 tài khoản. Tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 47.004 tài khoản.
Bước sang tháng 9, SSI Research cho rằng có 3 yếu tố chính kỳ vọng với diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Thứ nhất, yếu tố lịch sử: tháng 9 thông thường là tháng không có nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index trong quý IV hàng năm bình quân đạt mức tích cực 3,3%.
Thứ hai, định giá hấp dẫn là lợi thế: P/E Forward của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 6/9/2024, mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á. Các TTCK Đông Nam Á tạo điểm sáng trong nhịp hồi phục trong tháng 8 vừa qua.
Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.
Thứ ba, TTCK Việt Nam có lợi thế, đã phục hồi ấn tượng trong tháng 8 nhờ xu hướng hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận tích cực trên diện rộng. Dựa trên danh sách theo dõi của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, dòng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi Fed chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.
Châu Anh