![]() |
Siết vốn vay sau “tốt nghiệp” ODA
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2017/NĐ-CP về điều kiện cho vay lại nguồn vốn vay ODA với các địa phương theo hướng “siết” chặt, không phải cấp, phát như lâu nay vẫn làm để ràng buộc trách nhiệm của địa phương kể từ ngày 15/6/2017.
Năm 2017 Việt Nam phải trả nợ 99.000 tỷ đồng
Từ tháng 7/2017 Việt Nam không còn được vay vốn WB theo điều kiện ODA. Trong khi đó, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2017 dự kiến lên đến 99.000 tỷ đồng, bằng mức vay năm 2016 và gần gấp 3 lần mức vay năm 2015 (36.000 tỷ đồng). Tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA năm 2016 là 43.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2017 giảm xuống 26.000 tỷ đồng.
Trước kia, các địa phương coi vốn ODA như “món quà” miễn phí mà Trung Ương ban tặng. Do đó, vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ Chính phủ chủ yếu được phân bổ theo kiểu xin cho, cấp phát nên địa phương nào “giỏi xin” thì sẽ được cho mà không nhất thiết phải gắn với hiệu quả kinh tế xã hội của đồng vốn được sử dụng. Đặc biệt là trách nhiệm trả nợ đầy đủ và đúng hạn không được các địa phương quan tâm.
Tại họp báo chuyên đề về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung Ương, Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 52 quy định, thay vì cấp phát sẽ cho các địa phương vay lại nguồn vốn ưu đãi này. “Việc cho vay lại sẽ buộc người sử dụng vốn vay có trách nhiệm hơn với đồng vốn mà họ đi vay về, đặc biệt trước khi vay phải cân nhắc nguồn và khả năng trả nợ, đồng thời sẽ phải gánh chịu hậu quả khi không trả được nợ”, bà Thảo nói.
Theo đó, Nghị định quy định: Không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày, thay vì kỳ hạn dài trên 40 năm như trước kia.
Ngoài ra, tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay ODA cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh đề xuất.
Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA; địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA.
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA.
Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA.
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vay lại 80% vốn ODA.
Đối với các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), tỷ lệ cho vay lại thống nhất là 70%.
Bản chất vẫn là cơ chế “xin-cho”
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm mới trong Nghị định 54 đó là quy định mức phạt chậm trả lãi vay và trễ hẹn trả lãi vay quá 180 ngày không được vay mới nguồn vốn ODA.
Nếu nhìn nhận vào con số lãi phạt chậm trả theo mức cao hơn 150% lãi suất cho vay lại, hoặc bằng mức lãi suất chậm trả theo quy định tại thoả thuận vay nước ngoài sẽ thấy lớn. Nhưng mức lãi suất vay vốn ODA theo cam kết quốc tế chỉ khoảng 3-4%/năm, nếu địa phương chịu phạt vẫn thấp hơn so với vốn vay thương mại trên thị trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, về bản chất Nghị định vẫn mang tính “xin-cho” nên vẫn có lỗ hổng.
Theo quy định này, để được vay lại vốn ưu đãi, ngoài việc phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép huy động vốn, địa phương không có dự nợ vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương, không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày và nghĩa vụ trả nợ hàng năm đối với vốn vay lại ưu đãi không vượt quá
10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Theo các chuyên gia, quy định này tưởng chừng như chặt chẽ, nhưng thực tế địa phương nào đáp ứng được sẽ cố gắng “vẽ” ra dự án để “xin” được tiền về, còn dự án có hiệu quả hay không thì tính sau.
Kể cả khi Nghị định quy định địa phương phải trả nợ theo đúng kỳ hạn, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, địa phương đi vay không có tài sản thế chấp, tín chấp, mà chính UBDN các tỉnh vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ không cần bảo lãnh. Vì vậy, nếu xảy ra trường hợp vỡ nợ vốn vay lại thì Chính phủ cũng khó xử lý cả một địa phương.
Thanh Hoa