Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài chỉ mua được 110.000 cổ phiếu MWG trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công là 11% tổng đăng ký để nâng sở hữu từ 2,4%, lên 2,41% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 8/11 đến ngày 7/12.
Lý do không mua hết cổ phiếu đăng ký là do diễn biến thị trường không phù hợp.
Được biết, lãnh đạo Thế giới Di động tiếp tục đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu MWG để nâng sở hữu từ 2,41% lên 2,44% vốn điều lệ từ ngày 12/12/2023 đến ngày 10/1/2024.
Ông Nguyễn Đức Tài chỉ mua được 110.000 cổ phiếu MWG trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu. |
Việc lãnh đạo của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này đăng ký mua cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh thị giá MWG liên tục giảm mạnh và bị cổ đông ngoại bán ra.
Trong buổi gặp gỡ cổ đông chia sẻ tình hình kinh doanh quý III/2023, ông Nguyễn Đức Tài từng trấn an cổ đông và phát đi tín hiệu sẵn tiền trong tài khoản: “Ai có lòng tin tập đoàn sẽ có hành động xử lý vấn đề để quay trở lại, người đó bình tâm và thậm chí xem đây như là cơ hội mua vào. Ai xem rủi ro quá thì bán ra. Cá nhân là người trong cuộc, biết rõ mình đang đi đâu về đâu nên có ý định tăng tỷ lệ sở hữu. Nhưng từ lúc công bố thông tin thì cổ phiếu tăng liên tục nên chưa biết nên mua hay chờ đợi thêm, tiền thì đã sẵn trong tài khoản”.
Theo quan sát, từ ngày 13/9 đến ngày 7/12, cổ phiếu MWG giảm 28,96%, từ 57.500 đồng/cp về 40.850 đồng/cp; cổ phiếu MWG liên tục là tâm điểm bán ròng và rút vốn của khối ngoại.
Thực tế, từ đầu quý IV tới nay, khối ngoại ghi nhận đà bán ròng mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, 56.400 tỷ đồng cổ phiếu đã bị nhà đầu nước ngoài bán ra, trong khi lượng mua vào chỉ hơn 51.000 tỷ, tương ứng giá trị bán ròng vượt 5.300 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu danh sách cổ phiếu bị "xả" mạnh là MWG với hơn 2.300 tỷ đồng. Áp lực bán ra mạnh khiến tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này sụt giảm đáng kể.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG ghi nhận ở sát mức 44,4%, tương ứng hở "room" gần 5% và lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm lên tới gần 67 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.
Đóng góp vào lực bán trên là một số nhóm quỹ lớn. Tiêu biểu nhất cần kể tới Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào MWG và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên kể từ giữa tháng 4, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại MWG. Tại ngày 14/11, quỹ này chỉ còn 50,5 triệu cổ phiếu MWG, tưng ứng bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG sau khoảng hơn 7 tháng.
Cũng trong hồi đầu tháng 11, nhóm quỹ Dragon Capital đã báo cáo bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu xuống 6,9% vốn (101 triệu cổ phiếu).
Đáng chú ý, không chỉ các nhà đầu tư ngoại giảm sở hữu mà các lãnh đạo công ty thời gian qua cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm, Thành viên HĐQT bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ; từ ngày 7/9 đến ngày 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,266%, về còn 0,197% vốn điều lệ.
Thêm một thông tin không mấy khả quan với MWG, theo báo cáo cập nhật mới nhất của SSI Research, MWG vẫn có nguy cơ bị loại khỏi chỉ số VNDiamond với P/E dự phóng 2023 là 147x có thể vượt gấp 3 lần P/E của nhóm đủ tiêu chuẩn. Điều này có thể gây ra áp lực bán lớn từ các quỹ ETF tham chiếu theo rổ chỉ số này.
Diễn biến kém tích cực này một phần được cho đến từ kết quả kinh doanh kém sáng. Mặc dù phát đi tín hiệu khả quan với doanh thu lần đầu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10 vừa qua, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Thế giới Di động vẫn chưa thực sự sáng cửa. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Thế giới Di động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến gần 97%, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra, đứng trước nguy cơ năm thứ 2 liên tiếp không kịp về đích.
Châu Anh