Cũng tạo sóng trên thị trường không hề kém so với Sabeco, nhưng các “ông lớn” như Domesco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… lại hoãn thời điểm thoái vốn.
Trong danh sách thoái vốn năm 2017 của SCIC, có 5 doanh nghiệp được đánh giá cao, từng tạo sóng thời gian trước. Cụ thể, theo lộ trình được công bố, SCIC sẽ thoái 21,79% vốn điều lệ VCG (96,25 triệu cổ phiếu), 29,51% BMP (24,16 triệu cổ phiếu), 37,1% NTP (33,1 triệu cổ phiếu) và 34,71% DMC (12 triệu cổ phiếu).
Chậm và… ế
Tuy nhiên, không phải “hàng” tốt nào cũng kịp “nóng” với thị trường. Thực tế, SCIC đã hoãn thời gian thoái vốn tại 4 “hàng” tốt DMC, BMP, NTP, FPT mà chưa hẹn ngày bán tiếp.
Việc SCIC hoãn thoái vốn khiến giá trị các cổ phiếu trên làm “nguội” sự háo hức của các nhà đầu tư. So với tại thời điểm SCIC công bố lịch thoái vốn (18/11), tất cả các cổ phiếu này đều đã giảm giá.
Cụ thể, giá trị của DMC giảm từ 125.000 đồng/cp xuống còn 118.000 đồng/cp. NTP giảm từ mức 80.900 đồng/cp xuống còn 72.600 đồng/cp. BMP cũng rơi 8.700 đồng/cp, từ 92.500 đồng/cp xuống còn 83.800 đồng. FPT giảm nhẹ nhất khi từ 57.900 đồng/cp về 56.400 đồng/cp.
Trong khi đó, chỉ số P/E của các doanh nghiệp này đã tăng cao: 3 trong 4 doanh nghiệp bán vốn lần này đều đã quanh ngưỡng 14,15, DMC còn cao hơn ở mức trên 20, nghĩa là không còn quá rẻ nữa.
Điển hình như Tổng công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG – HNX). Đơn vị này được SCIC tổ chức bán đấu giá cạnh tranh cổ phần vào ngày 7/12. Tuy nhiên, kết quả cực kỳ ảm đạm với chỉ 3 nhà đầu tư tham gia, bao gồm một tổ chức và hai cá nhân. Tổng lượng đặt mua của các nhà đầu tư vỏn vẹn 5,35 triệu đơn vị, bằng 5,56% trong tổng số 96,24 triệu đơn vị mà SCIC chào bán.
Đây không phải là điều gây ngạc nhiên, vì hiện VCG đang bị đánh giá chiến lược phát triển trong tương lai.
Quá trình tái cấu trúc của tập đoàn này tập trung vào hai thế mạnh chính là xây dựng và đầu tư. Nhưng hiện xây dựng đang là sân chơi lớn của các doanh nghiệp khối tư nhân, trong khi đầu tư chưa bao giờ là sức mạnh của Vinaconex.
Danh sách những những doanh nghiệp đầu ngành nằm trong diện thoái vốn của SCIC, nhiều doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng lớn.
![]() |
Sẽ thoái vốn nhà nước thành công tại bao nhiêu doanh nghiệp?
Nhiều “hàng” tốt
Điển hình như công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (Domesco – mã DMC). Hiện Domesco đang là mục tiêu tăng sở hữu của CFR International SPA – công ty con của hãng Abbott. Tại Domesco, CFR International SPA đang nắm 51,69% cổ phần.
Kế đến là bộ đôi dẫn đầu ngành nhựa của Việt Nam, Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP). Hai đơn vị này đang nhận được khá nhiều quan tâm từ khối ngoại do sở hữu những lợi thế rất lớn.
BMP và NTP hiện là hai doanh nghiệp nắm phần lớn thị trường ống nhựa Việt Nam, đều hoạt động khá ổn định, bất chấp cạnh tranh đang gay gắt hơn và giá nguyên liệu tăng cao. Cả hai đều là doanh nghiệp có thương hiệu bảo đảm, có hệ thống phân phối được xây dựng từ lâu năm, kinh doanh tập trung và tỷ lệ nợ ở mức thấp…
Trong đó, BMP là doanh nghiệp luôn trong ở trạng thái “kín room” ngoại kể từ khi Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic – công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20,4% cổ phần tại BMP.
Đại diện BMP cũng từng tiết lộ với báo giới rằng Nawaplastic Industry đã bày tỏ việc muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP thông qua việc mua cổ phiếu trong đợt thoái vốn của SCIC.
Với NTP, đây là ẩn số lớn hơn, khi cổ đông lớn Nawaplastic Industries đã thoái toàn bộ 21,27 triệu cổ phiếu NTP sau hơn 5 năm đầu tư. Thay vào đó, đối tác Nhật Bản Sekisui Chemical mua vào gần 13,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 15% vốn NTP. Được biết, Sekisui Chemical đã hợp tác với NTP trong chuyển giao công nghệ và các hoạt động thương mại kể từ năm 2013.
Với trường hợp FPT, đại diện SCIC cũng từng cho biết việc bán vốn tại đây còn tùy thuộc vào cổ đông FPT. Theo đó, nếu cổ đông của FPT chấp thuận nới room ngoại lên trên 49% thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thoái vốn của SCIC, do hiện đã cạn room ngoại tại đây.
Kết quả kinh doanh mới công bố của FPT cũng cho biết tình hình tài chính khả quan của tập đoàn này khi kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2017 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ở mức 2 chữ số: doanh thu hợp nhất đạt 39.319 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016; Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Như vậy, không phải trường hợp bán vốn nào của SCIC cũng thành công, dù có nhiều mã được đánh giá là tốt, tiềm năng, nhưng cũng có nhiều cổ phiếu của SCIC đã bán vừa chậm và vừa ế.
Nguyên nhân vì các nhà đầu tư đang tập trung vào các doanh nghiệp có chiến lược phát triển rõ ràng, có tốc độ tăng trưởng tốt, dư địa lớn… như Vinamilk hay Sabeco. Nói cách khác, yêu cầu để thoái thành công cổ phiếu nhà nước là chất lượng phát triển của doanh nghiệp phải thực sự tốt.
Thừa Thiên