Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai vừa công bố mới đây.
Quốc Cường Gia Lai bị truy thu hơn 1,4 tỷ đồng tiền thuế và bị phạt chậm nộp thuế và phạt hành chính gần 887 triệu đồng. |
Đây cũng không phải lần đầu Quốc Cường Gia Lai bị xử phạt, mà hàng chục năm qua, doanh nghiệp cũng liên tục dính sai phạm và bị nhắc nhở và xử phạt.
Trước đó, Quốc Cường Gia Lai vừa dính đến những vụ tai tiếng liên quan tới sai phạm về lĩnh vực đất đai của một số quan chức TP.HCM cũng như lùm xùm trong dự án bất động sản đắp chiếu kéo dài.
Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai còn ghi nhận những lần công bố thông tin sai hay chậm hoãn tổ chức đại hội cổ đông.
Hiện doanh nghiệp chưa chốt được ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. ĐHCĐ năm trước cũng tổ chức muộn hơn so với bình thường 8-9 tháng. ĐHCĐ năm 2021 được tổ chức vào ngày cuối cùng kết thúc năm tài chính (31/12/2021).
Được biết, Quốc Cường Gia Lai là doanh nghiệp đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2010 nhưng công ty vẫn mang dáng dấp một doanh nghiệp gia đình với tỷ lệ cổ phần của bà Loan và những người liên quan ở mức chi phối.
Tính tới cuối 2021, bà Nguyễn Thị Như Loan và người thân trong gia đình nắm giữ khoảng 55% vốn điều lệ công ty.
Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện là Tổng Giám đốc, ông Lại Thế Hà là chủ tịch HĐQT. Bà Loan và 2 con gái nắm giữ phần lớn cổ phần công ty, trong khi đó, ông Lại Thế Hà và ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG liên tục biến động “bất thường”, nhiều khi khi tăng 5-7 lần rồi giảm ở mức gần tương tự trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chốt phiên ngày 6/6, cổ phiếu QCG đang giao dịch ở mức 9.200 đồng/cp (-2,3%), đánh dấu 6 phiên giảm giá liên tiếp.
Trước đó, cuối năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã từng nhắc nhở QCG trên toàn thị trường do chậm công bố thông tin về loạt giao dịch trị giá 3.200 tỷ đồng.
Đồng thời, HoSE cũng nhận được giải trình của công ty về những giao dịch bất thường diễn ra từ năm 2013-2017.
Theo HoSE, việc chậm công bố và công bố thiếu sót thông tin đã gây ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư.
Quốc Cường Gia Lai giải trình, từ 2013 đến 2017, QCG đã có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó, có vụ chuyển nhượng 49% cổ phần Công ty Giai Việt cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã năm 2014, với mức giá chuyển nhượng 70 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận khoản lỗ lên tới 258,3 tỷ đồng liên quan tới giao dịch này. Sông Mã là công ty có liên quan đến bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Năm 2016, QCG thông qua việc chuyển nhượng 65,2% vốn CTCP Quốc Cường Liên Á cho 3 thể nhân với giá chuyển nhượng 280,2 tỷ đồng, ghi nhận khoản lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Một trong các thể nhân là bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái Chủ tịch HĐQT QCG Lại Thế Hà.
Về kết quả kinh doanh, 3 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 134,84 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 12,53 tỷ đồng, lần lượt giảm 61,1% và 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,2% về còn 19,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 63,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 46,62 tỷ đồng về 26,86 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,8%, tương ứng giảm 3,09 tỷ đồng về 6,94 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 80,8%, tương ứng giảm 27,39 tỷ đồng về 6,51 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 5,23 tỷ đồng lên 2,08 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù công ty đã đẩy mạnh tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tăng thu nhập khác nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 35,2% so với cùng kỳ do lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai tăng 1,2% so với đầu năm lên 9.930,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 7.340,1 tỷ đồng, chiếm 73,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.267,1 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản và các tài sản khác.
C.Giang