HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống KRX diễn ra trong bối cảnh hệ thống hiện tại bị quá tải. |
Theo đó từ cuối tuần này, HoSE gửi thông số kỹ thuật để các công ty chứng khoán theo dõi. Việc kết nối bắt đầu từ ngày 14/6-23/7, sau đó ngày 26/7-6/8 thử nghiệm chức năng.
Ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc HoSE cho biết đây là dự án có ba đơn vị thụ hưởng, gồm hai sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Dự kiến hệ thống sẽ vận hành chính thức trong năm nay với năng lực xử lý lệnh "gấp nhiều lần hiện tại". Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống mới do Tập đoàn FPT triển khai với công suất xử lý 3-5 triệu lệnh mỗi phiên (dự kiến ra mắt vào tháng 7).
"Tuy nhiên, hệ thống FPT không kết thúc sứ mệnh ngay lập tức mà vẫn là giải pháp dự phòng trong một thời gian nhất định", ông Trà nói.
Gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin được HoSE ký với KRX vào năm 2012, trị giá 600 tỷ đồng cho thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, đến nay thời gian đã kéo dài gần một thập kỷ vẫn chưa thể đưa vào ứng dụng.
Việc HoSE kết nối thử nghiệm hệ thống KRX diễn ra trong bối cảnh hệ thống hiện tại bị quá tải, thường xuyên nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư khó khăn khi đặt lệnh mua bán. HoSE đã nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 để hạn chế tình trạng này, sau đó bổ sung "cơ chế mềm" yêu cầu các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng huỷ và sửa lệnh.
Trước đó, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tiếng thừa nhận, nguyên nhân chính của việc “nghẽn lệnh” là do năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HoSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Sàn HoSE bắt đầu có hiện tượng quá tải vào giữa tháng 12/2020, khi thanh khoản chạm ngưỡng 15.000 tỷ đồng, thanh khoản bình quân mỗi phiên của tháng 12 là khoảng 12.700 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giao dịch bình quân mỗi phiên lên đến 16.700 tỷ đồng và riêng tháng 5/2021, con số này là 22.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với bình quân của tháng 12/2020, giai đoạn nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra.
Đến nay, con số này đã tăng lên thành hơn 30.000 tỷ đồng mỗi phiên và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
L.L